fit@hcmus

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG-HCM có 02 cơ sở: một tại 227 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5 (cơ sở 1) và cơ sở 2 nằm trong Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM tại Phường Linh Trung, Thành phố Thủ Đức.

Cơ sở 1 được dành cho sinh viên giai đoạn chuyên ngành và sau đại học. Có hơn 50 phòng học có sức chứa từ 30 đến 150 chỗ ngồi, với đầy đủ hệ thống chiếu sáng, âm thanh, bảng. Một số phòng học được trang bị máy tính, hệ thống máy chiếu phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Có 2 giảng đường với sức chứa trên 300 chỗ (giảng đường 1) và gần 500 chỗ (giảng đường 2). Các giảng đường này được trang bị hệ thống máy tính, âm thanh và máy chiếu. Ngoài ra, còn có một phòng hội nghị có sức chứa trên 200 chỗ phục vụ cho các buổi họp, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế.

Cơ sở 2 được dành cho sinh viên giai đoạn đại cương với hơn 60 phòng học có sức chứa từ 30 đến 200 chỗ. Các phòng học đều được trang bị đầy đủ hệ thống chiếu sáng, âm thanh, bảng. Trong đó, nhiều phòng học đã có hệ thống máy chiếu. Có một giảng đường với sức chứa trên 400 chỗ. Ngoài ra, cơ sở này được xây dựng mới trong khuôn viên rộng rãi thuộc Khu đô thị ĐHQG-HCM. Do đó, cơ sở này có hạ tầng đồng bộ và hiện đại, bao gồm cả hệ thống sân bãi, nhà tập luyện phục vụ cho các hoạt động thể dục thể thao và giải trí của sinh viên.

Nhà trường cũng đã trang bị hơn 30 máy chiếu và 10 màn chiếu di động hỗ trợ cho các hoạt động giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên. Hầu hết các khu vực trong khuôn viên trường được phủ sóng WiFi để truy cập internet. Ngoài những cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường, Khoa Công nghệ Thông tin (CNTT) cũng trang bị gần 10 máy chiếu và một số máy tính xách tay để phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên.

Trong những năm tới, nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng nhằm đưa Cơ sở 2 trở thành một trong những môi trường giảng dạy và học tập tốt nhất ở Việt Nam.

Phòng máy tính

Khoa CNTT có 09 phòng máy tính kết nối internet, được trang bị hệ thống âm thanh, máy chiếu, màn chiếu. Các máy tính được bảo trì thường xuyên và nâng cấp hàng năm, được thay mới sau 5 năm sử dụng. Hiện có 425 máy tính dành cho sinh viên học tập và nghiên cứu.

Có từ 2 đến 4 phòng máy luôn mở cửa từ 07g00 – 11g30 và từ 13g00 - 17g30 dành cho sinh viên có nhu cầu tự thực hành. Tất cả máy tính đều được cài đặt những phần mềm đáp ứng cho các hoạt động giảng dạy và học tập, đặc biệt là bộ phần mềm hỗ trợ học tập (MSDNAA) được Microsoft Việt Nam tài trợ.

Khoa CNTT có một tổ kỹ thuật gồm 06 thành viên thực hiện công việc vận hành và hỗ trợ giảng viên và sinh viên sử dụng các phòng máy tính. Bảng sau trình bày thông tin chi tiết của các phòng máy tính:

STT Phòng Số lượng
máy tính
Địa điểm Mô tả
1 I.52 45 Tầng 5 - Nhà I CPU Intel Core i7, RAM: 8GB, HDD 1TB, Monitor LCD 22'' + 20 IMAC
2 I.61 40 Tầng 6 - Nhà I CPU Intel Core i7-3770 3.4Ghz, RAM: 8GB, HDD: 500GB, Monitor LCD 22''
3 I.62 40 Tầng 6 - Nhà I CPU Intel Core i7, RAM: 8GB, SDD 250 KINGMAX, Monitor LCD 22"
4 C23A 40 Tầng 2 - Nhà C CPU Intel Core i7, RAM: 8GB, HDD: 1TB, Monitor LCD 22"
5 C23B 40 Tầng 2 - Nhà C CPU Intel Core i7, RAM: 8GB, HDD: 1TB, Monitor LCD 22"
6 C201 45 Tầng 2 - Nhà C (cơ sở 2) CPU Intel Core i7-4790 3.6Ghz, RAM 8GB, HDD: 500GB, Monitor LCD 19"
7 C202 44 Tầng 2 - Nhà C (cơ sở 2) CPU Intel Core i7-4790 3.4Ghz, RAM: 8GB, HDD: 500GB, Monitor LCD 22"
8 D203 50 Tầng 2 - Nhà D (cơ sở 2) CPU Intel Core i7-4790 3.6Ghz, RAM: 8GB, HDD: 500GB, Monitor LCD 19"
9 D204 39 Tầng 2 - Nhà D (cơ sở 2) CPU Intel Core i3-2100 3.1Ghz, RAM: 4GB, HDD: 40GB, Monitor CRT 17"

Trong các phòng bộ môn, mỗi giảng viên được cung cấp một máy tính dành riêng cho việc giảng dạy và nghiên cứu.

Khoa CNTT đã trang bị một số hệ thống máy chủ để chạy các dịch vụ và phần mềm ứng dụng hỗ trợ sinh viên học tập.

Với ngân sách hàng năm dành cho các phòng máy tính, Khoa CNTT thực hiện bảo trì tất cả máy tính. Đồng thời, tiến hành nâng cấp những máy tính cần thiết để đảm bảo yêu cầu sử dụng. Các máy tính sẽ được thay mới sau 5 năm sử dụng. Ngoài ra, trong trường hợp có thêm các nguồn tài chính được hỗ trợ từ nhà trường và các cơ quan, đối tác bên ngoài, Khoa CNTT sẽ thực hiện nâng cấp các phòng máy để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các hoạt động giảng dạy và học tập.

Với quy mô các phòng máy tính cùng với hệ thống hỗ trợ học tập trực tuyến, Khoa CNTT luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực hành cho sinh viên.

Phòng thí nghiệm

Khoa CNTT có 04 phòng thí nghiệm dành cho giảng viên và sinh viên nghiên cứu và học tập. Sinh viên có thể đăng ký sử dụng tài nguyên trong các phòng thí nghiệm này.

  • Phòng thí nghiệm Công nghệ phần mềm (SELab) có trên 30 máy tính phục vụ nghiên cứu trong các lĩnh vực phần mềm và phát triển các phần mềm ứng dụng cho thị trường trong nước và quốc tế. SELab được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 06 tỷ đồng vào năm 2002.
  • Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo (AILab) được xây dựng vào năm 2009 với kinh phí khoảng 07 tỷ đồng dành cho giảng viên và sinh viên nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến AI. Hiện nay, AILab đang được trang bị các thiết bị đặc biệt dành cho việc nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo. AILab hiện đang được sử dụng chủ yếu cho giảng viên và sinh viên ngành Khoa học máy tính và Công nghệ tri thức.
  • Phòng thí nghiệm bảo mật mạng (NSLab) với các trang thiết bị đặc biệt dành cho giảng viên và sinh viên ngành Truyền thông và Mạng máy tính.
  • Các phòng thí nghiệm các Hệ thống nhúng (Embedded Systems):
    • Một phòng được Philips – NXP tài trợ với 20 PC và 20 MCB2300 Development Board dành cho sinh viên và giảng viên quan tâm lĩnh vực các hệ thống nhúng.
    • Một phòng được tài trợ bởi Renesas – Japan với 20 Board T-Engine SH7760 dành cho việc nghiên cứu của sinh viên và giảng viên.
Thư viện

Hiện nay, sinh viên và giảng viên Khoa CNTT sử dụng thư viện của trường cho các hoạt động giảng dạy và học tập.

Nhà trường có 02 thư viện: một dành cho sinh viên và một chủ yếu dành cho học viên sau đại học và giảng viên. Sinh viên cũng có thể sử dụng thư viện sau đại học nếu được sự cho phép và hỗ trợ của giảng viên hướng dẫn.

Thư viện có trên 19000 đầu sách bao gồm sách, tạp chí, báo và tập san bằng tiếng Việt, tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác. Thư viện cũng lưu trữ hơn 1800 luận án tiến sỹ và luận văn thạc sỹ chuyên ngành công nghệ thông tin.

Phòng đọc thư viện có sức chứa gần 500 chỗ. Phòng máy tính của thư viện có hơn 110 máy tính dành cho sinh viên và giảng viên truy cập để tìm kiếm thông tin sách. Hệ thống dịch vụ thư viện có thể truy cập bất cứ lúc nào thông qua internet.

Hệ thống thông tin hỗ trợ

Bên cạnh các hệ thống quản lý thông tin của trường, Khoa CNTT cũng có các hệ thống phần mềm ứng dụng hỗ trợ và quản lý các hoạt động dạy và học. Hiện nay, Khoa CNTT đã triển khai các hệ thống hỗ trợ sau:

  • Website môn học: https://courses.fit.hcmus.edu.vn được triển khai vào năm 2006. Hệ thống hỗ trợ trên 100 lớp học trong mỗi học kỳ, với gần 20.000 tài khoản người dùng. Đây là một trong những hệ thống hỗ trợ hiệu quả nhất giúp nâng cao chất lượng giảng dạy của Khoa CNTT trong những năm gần đây.
  • Hệ thống EFAC bao gồm một ứng dụng máy tính và một giao diện web, hỗ trợ các bộ phận nghiệp vụ trong công tác sắp thời khóa biểu, phân công lịch giảng dạy, quản lý kết quả học tập và đăng ký học phần của sinh viên.
  • Website khoa CNTT: https://www.fit.hcmus.edu.vn (giao diện tiếng Việt và tiếng Anh) là cổng thông tin của Khoa, cung cấp các thông tin hữu ích cho sinh viên, giảng viên và những người quan tâm.
  • Thư viện điện tử: https://elib-fit.hcmus.edu.vn hỗ trợ sinh viên Khoa CNTT truy cập trực tuyến các tài liệu, luận văn điện tử của sinh viên Khoa CNTT đã được số hóa.
  • Hệ thống thông tin phản hồi: https://cs.hcmus.edu.vn/projects/fitsurvey hỗ trợ Khoa thu thập các thông tin phản hồi về hoạt động đào tạo và chất lượng giảng dạy của từng môn học.

Ngoài ra, Khoa CNTT còn triển khai thêm các hệ thống website môn học dành riêng cho các chương trình đào tạo theo đề án và chương trình đào tạo từ xa, cùng với một số hệ thống hỗ trợ khác như: