1. Đối tượng thực hiện khảo sát: 

Sinh viên (SV) khóa tuyển 2024 chương trình Tăng cường tiếng Anh ngành Công nghệ thông tin của Khoa Công nghệ thông tin (CNTT).

  1. Mục đích: 

Thông qua việc khảo sát, đánh giá năng lực lập trình của SV, Khoa CNTT thực hiện triển khai đào tạo tốt hơn. Tùy vào năng lực lập trình (và kết hợp với các yếu tố khác như năng lực ngoại ngữ,...) của SV mà Khoa sẽ sắp xếp SV vào lớp thích hợp để giảng viên (GV) phụ trách có thể xây dựng nội dung và vận dụng phương pháp giảng dạy phù hợp, nhằm phát huy tốt nhất khả năng của từng SV. 

  1. Tầm quan trọng:

Việc tổ chức khảo sát kỹ năng, kỹ thuật lập trình đầu khóa để xếp lớp có vai trò quan trọng với SV và với Khoa CNTT.

  • Tạo điều kiện để SV học tập tốt nhất. Việc đánh giá năng lực lập trình của SV giúp SV được học tập với nội dung, phương pháp và mức độ phù hợp nhất với mình, tránh tình trạng chán nản hoặc quá tải trong quá trình học tập. Đối với SV chưa có hoặc có ít kiến thức về lập trình sẽ được GV hỗ trợ để nhanh chóng xây dựng nền tảng lập trình tốt nhất, bắt kịp các bạn đã biết trước về lập trình. Ngược lại, đối với các SV đã có nền tảng lập trình đủ tốt sẽ không phải tốn nhiều thời gian học lại những kiến thức, kỹ năng đã biết mà dành thời gian nâng cao thêm khả năng lập trình của bản thân.

  • Nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa. Tùy vào năng lực, đặc điểm của từng lớp học sau khi sắp xếp, GV phụ trách các lớp tương ứng lựa chọn phương pháp và nội dung giảng dạy phù hợp nhằm giúp SV học tập tốt nhất dù các bạn đã biết trước hay chưa biết các kiến thức về lập trình. Việc này giúp SV phát triển tốt nhất khả năng của mình, đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa.

  • Phát huy tối đa tiềm lực của SV nhưng vẫn đảm bảo việc đánh giá công bằng. Về các chủ đề giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của SV ở các lớp khác nhau vẫn được đảm bảo công bằng và đáp ứng đúng quy định chung của Khoa.

  1. Tiêu chí sắp xếp lớp: 

Khoa xếp lớp cho SV dựa trên kết quả tổng hợp từ nhiều yếu tố gồm: điểm khảo sát đầu khóa về kiến thức lập trình, điểm khảo sát năng lực tiếng Anh đầu vào (hoặc điểm quy đổi nếu SV đã xác nhận chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn), điểm tuyển sinh đầu vào (hoặc điểm quy đổi tùy theo phương thức tuyển sinh áp dụng khi SV được tuyển vào Trường). 

  1. Cách thức tham gia khảo sát: trực tuyến (online).

  2. Thời gian thực hiện khảo sát năng lực lập trình: 180 phút, bắt đầu từ 08:30 ngày 18/09/2024.

SV bắt đầu đăng nhập hệ thống từ 8:00 để chuẩn bị.

  1. Nội dung khảo sát:

Sinh viên được yêu cầu giải quyết các vấn đề từ dễ đến khó, nội dung có thể liên quan đến các thành phần sau:

  • Sử dụng kiến thức lập trình cơ bản như kiểm tra nhập xuất, câu lệnh rẽ nhánh, lệnh lặp… để giải quyết các bài toán tìm kiếm, sắp xếp…

  • Khả năng sử dụng các cấu trúc dữ liệu từ cơ bản đến nâng cao.

  • Vận dụng một số kỹ thuật như đệ quy, tối ưu hóa thuật toán, quy hoạch động…  

  • Có thể chọn sử dụng các ngôn ngữ lập trình phổ biến như C/C++, Python, Java, Pascal… để giải quyết các yêu cầu.

  1. Công bố kết quả:

Trước 17g ngày 26/09/2024, sinh viên sẽ nhận được kết quả khảo sát năng lực qua email.

  1. Công tác chuẩn bị:

  • Khoa tổ chức buổi sinh hoạt trực tuyến (online) cho SV vào trước ngày khảo sát lập trình để hỗ trợ kỹ thuật và giải đáp thắc mắc cho SV. 

  • Thông tin về hệ thống phục vụ khảo sát và tài khoản dùng để đăng nhập hệ thống của mỗi sinh viên sẽ được thông báo cụ thể qua email. 

  • SV có thể đăng nhập và làm bài khảo sát thử trên hệ thống trước ngày khảo sát chính thức. Hệ thống phục vụ làm bài khảo sát thử nhằm giúp SV làm quen với cách thức thực hiện bài khảo sát và cách thức nộp bài, không nhằm mục đích ôn tập cho SV.

SV kiểm tra email thường xuyên, cả email do Trường cấp (@student.hcmus.edu.vn) lẫn email do Khoa cấp (@clc.fitus.edu.vn) để nắm bắt thông tin kịp thời.

  1. Các câu hỏi thường gặp:

  1. Khoa có bắt buộc SV tham gia kỳ khảo sát năng lực lập trình đầu khóa?

Việc tham gia kỳ khảo sát năng lực lập trình là bắt buộc. Kết quả khảo sát không để đánh giá được tích lũy vào kết quả học tập (đậu hay rớt), mà là thành phần quan trọng được dùng làm căn cứ cho việc sắp xếp lớp học phù hợp.  

  1. Nếu SV bỏ lỡ kỳ khảo sát năng lực lập trình hoặc tham gia mà không làm được bài nào thì có vấn đề gì không?

Nếu SV không tham gia hoặc tham gia mà không thực hiện được bài nào thì khi đó SV được xem là chưa có kiến thức gì về lập trình. Đối với các SV thuộc trường hợp này thì GV sẽ triển khai phương pháp và nội dung giảng dạy phù hợp để giúp các bạn nhanh chóng có được các kiến thức căn bản của lập trình và sớm bắt kịp với các SV khác, đã học trước hay biết trước các kiến thức về lập trình. 

  1. Nếu SV đã học trước rất nhiều về lập trình từ các năm học phổ thông, hoặc thậm chí đạt được giải cao trong các cuộc thi lập trình quốc gia và quốc tế thì kỳ khảo sát này có quan trọng không?

Nếu SV đã giỏi về lập trình thì việc tham gia và thể hiện khả năng của mình trong kỳ khảo sát năng lực lập trình đầu khoá này là rất quan trọng. Cụ thể, nếu SV bỏ qua kỳ khảo sát hoặc không thể hiện đúng khả năng của mình, SV có thể được xếp vào các lớp học dành cho SV chưa biết gì về lập trình. Khi đó, SV sẽ phải học lại các kiến thức rất căn bản về lập trình, dẫn đến việc lãng phí thời gian và dễ bị chán nản trong học tập. Đối với đối tượng SV đã có nền tảng tốt về lập trình, với các chủ đề bắt buộc phải học của môn học, các bạn được yêu cầu hoàn tất trong khoảng thời gian ngắn hơn. Bên cạnh đó, các bạn còn được tạo điều kiện để tìm hiểu sâu hơn và mở rộng thêm từ các chủ đề này để phát huy tối đa năng lực của bản thân.

  1. SV được xếp vào các lớp khác nhau thì ở kỳ thi kết thúc học phần, Khoa có áp dụng các đề thi có mức độ khó khác nhau cho các lớp không?

Mục tiêu và chuẩn đầu ra của mỗi học phần là như nhau đối với tất cả SV cùng tham gia học phần. Để đảm bảo tính công bằng theo quy định chung của Khoa, các giảng viên áp dụng cùng đề thi kết thúc học phần cho tất cả SV cùng tham gia một đợt mở học phần đó trong một học kỳ. 

  1. Việc khảo sát năng lực lập trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến thì có khả năng xảy ra gian lận trong quá trình thực hiện?

SV được yêu cầu thực hiện khảo sát nghiêm túc và cố gắng phản ánh tốt nhất năng lực và trình độ hiện tại của mình. Điều này sẽ tốt cho chính SV. Do vậy, nếu SV không ý thức được điều này và không làm đúng quy định của Khoa thì vô tình sẽ gây ra thiệt thòi cho chính bản thân SV. Khi đó, do kết quả khảo sát không phản ánh đúng trình độ của SV, dẫn đến việc SV được xếp vào lớp học không phù hợp với trình độ của mình và quá trình học sẽ trở nên khó khăn và không đem lại kết quả tốt nhất cho SV.


Sinh viên cần giải đáp thắc mắc, liên hệ bộ phận quản lý qua email ctdb@hcmus.edu.vn