Tin tức thời sự CNTT

Bộ VHTTDL chưa có ý kiến về vụ Google Books

09-09-2009 09:02

Google Books cho 204 kết quả tìm kiếm về sách liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 

Google đã quét hàng nghìn cuốn sách của các tác giả, nhà xuất bản Việt Nam mà không xin phép nhưng Bộ Văn hóa thông tin –Du lịch vẫn chưa có ý kiến về việc này.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bản quyền và các quyền có liên quan. Cho đến nay, Thanh tra Bộ đã rất nỗ lực thanh tra, giám sát, xử phạt nghiêm khắc vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở trong nước. Những phần mềm vi phạm có giá trị lớn đều là phần mềm của nước ngoài như Microsoft, Adobe… So sánh với thực tế đó, có ý kiến mong rằng, vụ việc Google xâm phạm quyền lợi của các tác giả Việt Nam cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm như vậy cũng như cần quyết liệt bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam trong vụ Google Books như đang làm với bản quyền phần mềm.

Google đã quét hàng chục triệu cuốn sách, trong đó có của Việt Nam và đưa lên mạng cho mục đích kinh doanh mà không xin phép tác giả hoặc những người nắm giữ quyền liên quan. Khi bị kiện vi phạm bản quyền, Google đã đưa ra một thu xếp thỏa thuận với Hội các tác giả và Hiệp hội các Nhà xuất bản Mỹ. Thỏa thuận này chỉ có hiệu lực khi tòa án Mỹ chấp thuận, sớm nhất là vào ngày 7/10/09. Tòa án Mỹ cũng ra hạn chót cho các bên nêu ý kiến ủng hộ hoặc phản đối để tòa án xem xét là ngày hôm nay, 8/9.
 
Nếu thỏa thuận này được tòa án Mỹ thông qua, Google có quyền số hóa sách và kinh doanh sách số đó. Google chỉ trả tiền cho những người sở hữu quyền với sách đó nếu họ phát hiện và đòi Google. Google cũng có quyền xóa những cuốn sách đã được số hóa nhưng tính thương mại thấp. Ngoài ra, nhiều ý kiến lo ngại đây sẽ là tiền lệ cho việc sao chép sách đưa lên mạng trái phép – điều đi ngược lại với các luật về bản quyền hiện hành là việc sử dụng lại các tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào đều phải được sự đồng ý của tác giả hoặc những người nắm giữ quyền liên quan.
 
Tại Việt Nam, mới chỉ có Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đứng ra đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với các tác phẩm văn học thuộc các tác giả Việt Nam là thành viên. Vẫn còn rất nhiều tác giả là nhà khoa học, nhà xuất bản vẫn chưa có thông tin hoặc giả nếu có cũng không được tư vấn nên làm như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình. Đó là chưa kể đến có nhiều cuốn sách vẫn trong diện được bảo hộ nhưng không rõ ai nắm giữ quyền đối với nó.

 

(Theo ICTnews)

(theo VnMedia)

Các tin liên quan