Tin tức thời sự CNTT

Đưa dòng phù sa khoa học về quê hương

03-08-2010 12:36

TTCT - Mặc quần jeans và áo kaki, đi giày màu hồng, chạy như con thoi giữa những đợt thảo luận của sinh viên trong lớp học chương trình đào tạo tiên tiến về công nghệ thông tin của Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, giáo sư Dương Nguyên Vũ làm người ta như quên mất ông là cố vấn khoa học cao cấp của Cơ quan điều khiển an toàn bay châu Âu (European Organization for the Safety of Air Navigation - Euro Control).

 

GS Dương Nguyên Vũ (trái) trao đổi với sinh viên trong một tiết học về kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo tiên tiến của Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM - Ảnh: Vy Khánh

 

Trong những buổi học ở chương trình tiên tiến về ngành công nghệ thông tin của Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, thầy Dương Nguyên Vũ và học trò đã biến sự nhọc nhằn của việc thu nhận kiến thức thành những cuộc vui.

“Tôi thấy máu mình trong dòng sông phù sa đỏ”

Suốt bốn năm qua, thầy Vũ giờ đang nhìn thấy những sinh viên ngày nào ngơ ngác vào đại học của mình chuẩn bị tỏa đi khắp nơi ở những phòng nghiên cứu và trường đại học ở những chân trời mới. Ông nhớ lại: “Các em là lứa học trò đầu tiên tôi dạy từ khi bước chân vào đại học. Tôi chứng kiến từ đầu các em đón nhận cuộc sống thế nào. Qua những bài tập, tôi thấy sự trăn trở rất trẻ trung về thế giới, sự cảm nhận các giá trị...”.

 

GS.TS Dương Nguyên Vũ là cố vấn khoa học cao cấp của Cơ quan điều khiển an toàn bay châu Âu (European Organization for the Safety of Air Navigation - Euro Control) và đây là công việc chính của ông hiện nay. Mỗi năm đi về giữa Pháp - Việt Nam hơn 10 lần, ông đang ấp ủ cho ngày ra đời của Trung tâm nghiên cứu xuất sắc John von Neumann trong khuôn khổ Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM. 

 

Đám học trò nhỏ đã làm cháy lên trong ông những cảm nhận thực về một thế giới có niềm vui và nhiều ý nghĩa theo cách đó. Ông không thể rời trường, không thể quên những ánh mắt như nuốt lấy kiến thức mới mẻ. Đó là điều đã khiến ông suốt 13 năm đi về giữa Pháp - Việt Nam như con thoi giữa dòng chảy của những nghiên cứu bộn bề.

Năm 1994, lần đầu tiên trở về Việt Nam làm nghiên cứu cho một tập đoàn dầu khí, thầy Vũ vẫn chưa hề nghĩ đến việc sẽ gắn bó nhiều với quê nhà. Ông nhớ lại: “Tôi còn nhớ mình ngồi trên máy bay và nhìn xuống đất Việt Nam mình. Tôi thấy những dòng sông có đất phù sa màu đỏ, nâu đỏ. Tôi cảm thấy đó là máu của mình. Mình ở trong đó. Mình đang ở trong dòng máu của mình” - nhà khoa học danh giá ở châu Âu ấy thấy những cánh đồng nghèo và dòng nước chảy thẳng vào tim mình, khoét ở đấy một đáy rỗng không gì lấp đầy nổi.

Ông quay về Việt Nam và dạy ở Viện Tin học Pháp ngữ năm 1997. Ai hỏi ông vì sao phải nhọc nhằn tốn công chạy đi chạy về thì ông chỉ nhún vai. Ông không biết. Cái sự đi tìm quê hương trong tâm hồn chẳng cần một logic khoa học nào cả.

Là cố vấn khoa học cao cấp cho Euro Control, ông tự hào khoe mình “được nể” cho đi về Việt Nam 20 ngày/năm để dạy học. Có chuyến ông về một tuần, hai tuần, có chuyến về dài gần một tháng. Ông phải sắp xếp để vừa đảm bảo công việc ở phòng nghiên cứu tại Pháp, vừa đảm bảo những giờ lên lớp ở các trường đại học ông dạy.

Nói ông “theo đuổi” đám học trò cũng đúng. Ông thích nhìn ánh mắt họ sáng lên khi có điều mới mẻ. Năm 1997, kiến thức chưa phổ biến rộng rãi trên Internet. Khi ông tiếp nhận những kỹ sư tài năng của Đại học Bách khoa Hà Nội, ông thấy những say mê và khao khát hiểu biết của đám trẻ thật dữ dội. Ông thích thú vì nhận ra mình có thể dành cho họ vài điều mới mẻ gì đó họ chưa biết.

Chỉ vì những ánh mắt trẻ ấy, thầy Vũ tăng dần thời gian nghỉ của mình ở Euro Control. Từ 20 ngày/năm, ông tự xin nghỉ không lương thêm 40 ngày/năm để gia tăng các giờ dạy tại Việt Nam. Cứ lên máy bay rời khỏi Việt Nam, ông lại bị những ánh mắt trẻ dồn nén lại thành sự nhớ nhung. Có những ngày rụt rè, có những buổi đi chơi, thầy trò nhậu nhẹt, rồi những giờ làm việc học trò đặt câu hỏi và “xoay” ông đến kiệt sức. Cứ thế mà cái “duyên” quê nhà níu kéo ông về mãi.

Việt kiều về nước làm khoa học hay gặp nhiều khó khăn. Ông chỉ nhún vai: “Khi về, tôi không nghĩ gì đến quá khứ cả. Nói thật lòng là tôi chẳng nghĩ gì hết”. Ông chỉ thích được đạp xe ở Hà Nội, nhìn buổi sáng vắng lặng và lao vào những giờ dạy sôi nổi đến kiệt sức bên học trò của mình.

Đưa dòng chảy tri thức về Việt Nam

 

“Bài học của thầy là những câu chuyện. Chính thầy cũng là một câu chuyện để tôi học hỏi. Thầy trò chuyện và truyền lửa cho tôi để sống, làm việc bằng tình yêu và đam mê như cái cách thầy đam mê làm việc cho giáo dục và sinh viên Việt Nam”.

(Trần Thị Hồng Diễm, 22 tuổi, sinh viên năm 4, khóa 2006-2010 chương trình tiên tiến về công nghệ thông tin của Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM)

 

Khi về Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM và nhận chương trình tiên tiến ngành công nghệ thông tin, ông gặp những học trò 18 tuổi. Trong những giờ dạy về phương pháp nghiên cứu, kỹ năng mềm, ông thấy được những suy tư của các em về môi trường, ống khói nhà máy, về cái vấp ngã không ai đỡ dậy của con người trong thế giới vội vã đầy cô đơn.

Đó là những đứa trẻ không còn cái khao khát ngạc nhiên uống từng kiến thức mới mẻ của thời 1997 nữa, mà là đầy những khắc khoải và ước mơ sở hữu tương lai thật sự của mình. Kiến thức ở khắp nơi. Giờ ông thầy là một người thảo luận đi chung đường với sinh viên của mình.

Khi ông Vũ bắt tay thực hiện đề án John von Neumann về một trung tâm nghiên cứu khoa học với ba mũi: đào tạo sau đại học, nghiên cứu chuyên nghiệp và ứng dụng cho công nghiệp, ông dồn vào đó tất cả những khao khát của mình trong từng ngày đi dạy.

Những nhà khoa học đầu ngành ở các đại học lớn như UC Bekerly, Telecom ParisTech (Paris Institute of Technology), Eurocom... lần lượt được ông Vũ ngỏ lời mời về Việt Nam dạy các khóa ngắn hạn cho Trung tâm John von Neumann. Nhiều nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng đang dạy ở nước ngoài cũng được ông mời về.

Với uy tín khoa học và quan hệ sẵn có trong ngành, những cái gật đầu rất cụ thể từ các viện và trường đại học quốc tế đã đổ về với Đại học Quốc gia TP.HCM. Ông Vũ cho biết: “Phải làm sao đó chuyển kiến thức từ nước ngoài về Việt Nam. Người Việt không thể đi làm công mãi được”.

Những ngày chuẩn bị cho Trung tâm John von Neumann ra đời là những đêm thầy Vũ không ngủ ở giữa nước Pháp. Vừa điều hành phòng nghiên cứu ở Euro Control, tổ chức các hội nghị khoa học và liên tục thảo luận với nghiên cứu sinh, ông chỉ có những khoảng thời gian sít sao cuối ngày để viết thêm vào bản đề án của mình những điều tâm huyết.

Ông lắc đầu: “Không có hai người bạn là Cao Hoàng Trụ và Hồ Tú Bảo thì không biết sao mà tôi có thể làm nổi. Làm việc không thấy mặt trời luôn đấy”. Ba nhà khoa học, một ở Pháp, một ở Viện JAIST (Nhật Bản), một ở Đại học Bách khoa, phải trầy trật chuẩn bị suốt một thời gian dài để trung tâm có thể ra đời.

Trong một khảo sát trên 549 tiến sĩ và nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, ông Dương Nguyên Vũ phát hiện sẽ có 60% trong số họ sẵn sàng về phục vụ công việc trong nước nếu họ được trả từ 1.000-1.200 USD/tháng và có môi trường nghiên cứu tốt, dự án tốt. Đó là mức lương đủ để chăm sóc cho gia đình và giúp họ tập trung nghiên cứu.

Ông bảo: “Tôi không thể yêu cầu họ hi sinh tất cả về làm khoa học trong nước, nhưng tôi có thể xin họ dành cho những sự giúp đỡ nho nhỏ. Từ nhiều sự chung tay ấy, mình sẽ có cái lớn”. Trung tâm nghiên cứu John von Neumann là nơi thầy Vũ đổ vào đó cả những ánh mắt khao khát tri thức, cả những nhớ nhung của trí thức Việt kiều với quê hương, cả dòng máu phù sa ông từng nhìn thấy từ trên máy bay và bật khóc không thành tiếng.

Ngày 22-7-2010, trong buổi ra mắt trung tâm, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - nói lời mở đầu: “Đây là chương trình duy nhất của Đại học Quốc gia do một Việt kiều đứng đầu”. Thầy Dương Nguyên Vũ mỉm cười với chúng tôi và nói nhỏ: “Giờ tôi là Việt Nam 100% rồi. Lúc tôi đang đi giảng ở Pháp thấy sứ quán gọi, bảo lên đóng tiền lấy hộ chiếu”.

Năm 2010, sau 13 năm đi về Việt Nam - Pháp với hai nửa cuộc sống ở hai bờ đại dương, thầy Dương Nguyên Vũ đang chọn cho mình một con đường mới - đi cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ ở Việt Nam và đầy rẫy những thử thách phía trước. Ông cười lớn: “Những bức tường khó khăn được xây ra trên con đường của mình, chỉ là xem mình có khả năng leo qua bức tường đó để đi tiếp hay không mà thôi...”.

 

Ngày 22-7-2010, Trung tâm John von Neumann chuyên về công nghệ thông tin chính thức ra đời, với mục tiêu tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, hướng đến hỗ trợ các ngành công nghiệp và doanh nghiệp trong thực tiễn, đào tạo đội ngũ nghiên cứu sinh sau đại học để bổ sung cho các trường đại học và ngành khoa học. Trung tâm cũng là nơi đang quy tụ nhiều nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về cống hiến và làm việc.

Trung tâm John von Neumann được lấy theo tên một nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, cũng là người tiên phong của máy tính kỹ thuật số hiện đại.

 

LAN PHƯƠNG - VY KHÁNH

(Trích TTO)

Các tin liên quan