Tin tức thời sự CNTT

Google rút khỏi Trung Quốc: Thật hay chỉ dọa?

15-01-2010 09:10

 
 

- Mấy ngày nay, thông tin về việc Google có thể rút khỏi Trung Quốc, thị trường Internet lớn nhất thế giới với hơn 300 triệu người dùng, đã gây sốc nhiều người. Thông tin về vụ việc này tràn ngập trên các báo chí nước ngoài, ngoại trừ Trung Quốc. Sự việc nghiêm trọng tới mức Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng lên tiếng yêu cầu chính phủ Trung Quốc giải thích về vụ việc này.

Thỏa thuận ràng buộc

Google bắt đầu khai trương dịch vụ tìm kiếm Web phiên bản tiếng Trung (google.cn) từ năm 2006 sau khi ký thỏa thuận với chính quyền Trung Quốc. Tuy nội dung bản thỏa thuận này không được công bố chi tiết, nhưng đại khái là Google phải hợp tác với chính quyền sở tại kiểm duyệt nội dung mà người dùng tìm kiếm trên đó.

Chính vì thế, trong thông báo của Google phát đi ngày 12/1 mới có đoạn: “Chúng tôi sẽ không tiếp tục kiểm duyệt nội dung trên trang google.cn, và đang cân nhắc tới việc đóng cửa văn phòng đại diện và rút toàn bộ hoạt động khỏi Trung Quốc”. Việc không tiếp tục kiểm duyệt nội dung trên google.cn sẽ đồng nghĩa với việc Google đi ngược lại thỏa thuận ban đầu.

Trong tuyên bố đưa ra cách đây 4 năm, Google từng nói: “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các điều kiện thực tế tại Trung Quốc, bao gồm cả những quy định mới và những hạn chế khác về dịch vụ. Nếu không đạt được các mục tiêu đề ra, chúng tôi sẽ không do dự xem xét lại toàn bộ hoạt động tại đây”.

Trong thông báo viết trên blog của Google, David Drummond – Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách mảng phát triển doanh nghiệp, kiêm luật sư của hãng, cho biết trong vài tuần tới hãng này sẽ làm việc với chính phủ Trung Quốc về những điều khoản cơ bản cho phép hãng có thể duy trì dịch vụ tìm kiếm không bị kiểm duyệt. Nếu tất cả mọi thứ đều vẫn giữ nguyên không đổi thì Google sẽ rút khỏi thị trường này.

Theo nhận định của giới phân tích, khả năng chính phủ Trung Quốc đồng ý với điều kiện mới của Google là rất khó xảy ra. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng động thái trên của Google chỉ mang tính chất hù dọa giới chức Trung Quốc.

Không chỉ riêng Google, một số hãng công nghệ lớn khác, chẳng hạn như Yahoo, khi làm ăn tại Trung Quốc cũng buộc phải tuân thủ theo các điều khoản kí kết trước. Cũng do va vấp và chịu sự chì trích từ phía cộng đồng người dùng mà Yahoo đã có lần phải điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc hãng này đã cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt giữ một số nhân vật nằm trong “sổ đen” của Bắc Kinh.

Lo ngại

Từ trước tới nay, Google đã nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc. Tuy nhiên, vụ tấn công hồi tuần trước khá đặc biệt, bởi nó chỉ nhắm tới tài khoản Gmail của một vài nhân vật được cho là bất đồng chính kiến tại Trung Quốc. Hậu quả của vụ tấn công không lớn nhưng nó lại làm cho Google lo ngại.

Ngay sau khi vụ việc trên xảy ra, Washington đã có những phản ứng đầu tiên. Trong một phát biểu đưa ra hôm 13/1, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi Bắc Kinh có giải thích về vụ việc này. “Chúng tôi thực sự lo ngại về sự an toàn của các công ty Mỹ tại Trung Quốc”, bà Hillary Clinton phát biểu.

Ngoài bà Cliton, một nhân vật cao cấp khác là Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, Gary Locke, cũng nói Trung Quốc cần đảm bảo môi trường hoạt động an toàn cho Google và các công ty khác. “Chúng tôi vô cùng quan ngại về các vụ xâm nhập hòm thư cá nhân của Google trong thời gian gần đây tại Trung Quốc”, ông Locke nói trong một tuyên bố.

Về phần Google, cũng do lo ngại Gmail lại bị tấn công một lần nữa, nên từ ngày 13/1 hãng này đã chuyển toàn bộ chế độ đăng nhập vào Gmail thông qua giao thức bảo mật HTTPS. Trước đây, giao thức này chỉ là một lựa chọn không bắt buộc, nhưng từ sau cuộc tấn công trên, Google sẽ chuyển toàn bộ chế độ đăng nhập HTTPS thành mặc định. Dự kiến, quá trình chuyển đổi này sẽ áp dụng cho tất cả người dùng Gmail trong vài tuần nữa.

Đáng chú ý là trong khi tin tức về việc Google có thể rút lui khỏi thị trường Trung Quốc tràn ngập trên các phương tiện truyền thông phương Tây, thì tại Trung Quốc mọi thứ dường như vẫn còn rất im ắng. Cho tới thời điểm này vẫn chưa có bất cứ phát biểu quan trọng nào từ phía chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó, một số sinh viên đã mang hoa tới trụ sở Google tại Bắc Kinh để bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định rút lui của hãng tìm kiếm lớn nhất thế giới này.

Ảnh minh họa

 Sinh viên Trung Quốc mang hoa và nến tới đặt tại trụ sở Google tại Bắc Kinh.



Ủng hộ quyết định trên của Google còn có Yahoo, đối thủ của hãng này trong lĩnh vực tìm kiếm. Trong một thông báo phát đi hôm 13/1, đại diện Yahoo cho biết hãng này đứng về phía Google, đồng thời phản đối hành động tấn công vào dịch vụ Gmail. Yahoo đã đóng cửa văn phòng đại diện tại Trung Quốc từ năm 2005 sau khi bán hoạt động sản xuất kinh doanh cho tập đoàn Alibaba Group. Hiện Yahoo vẫn nắm giữa 39% cổ phần trong tập đoàn này.  Phát ngôn viên Yahoo từ chối bình luận về khả năng hãng này có bán cổ phần trong Alibaba hay không.

Cơ hội cho người còn lại

Với hơn 300 triệu người dùng Internet, Trung Quốc hiện đang được xem là thị trường online lớn nhất thế giới. Tuy là hãng tìm kiếm số 1 thế giới nhưng xét về thị phần tìm kiếm tại Trung Quốc, Google vẫn đứng sau trang tìm kiếm nội địa Baidu.com. Theo công ty nghiên cứu Analysys International, thị phần của Google tại thị trường tìm kiếm ở Trung Quốc hiện vẫn dừng ở mức 29%, trong khi Baidu chiếm tới 61%. Điều đáng nói là trong thời gian qua, Google đã đầu tư khá nhiều công sức và tiền bạc cho thị trường nhưng, nhưng rốt cuộc thị phần không tăng lên là bao.

Trong khi đó, doanh thu của Google tại Trung Quốc lại không đáng kể, theo ước tính nó chỉ chiếm vài phần trăm trong doanh thu 28 tỉ USD năm 2008 của Google. Tuy nhiên, trước mắt tiền bạc chưa phải là nhân tố quan tâm hàng đầu của Google. Với trên 300 triệu người sử dụng Internet, Trung Quốc hứa hẹn sẽ là thị trường tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến rất màu mỡ của Google sau này.

Nếu Google rút khỏi Trung Quốc, nghiễm nhiên Baidu.com sẽ trở thành “bá chủ”. Vẫn chưa rõ liệu Yahoo, Microsoft có nhảy vào thị trường này hay không, nhưng trước mắt chưa thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ điều này. Trước đây, cả Yahoo và Microsoft đều chưa thể chen chân vào thị trường tìm kiếm Trung Quốc. Nguyên nhân hiển nhiên là do cái bóng quá lớn của Baidu vào Google.


Gia Vũ - (Tổng hợp)

(Theo VnMedia)

Các tin liên quan