- Khi thị trường phần mềm phân tích dữ liệu trở nên màu mỡ, chúng bắt đầu hút sự chú ý của nhiều đại gia tên tuổi như SAS, IBM, Oracle…, và cuộc chiến cạnh tranh trong lĩnh vực này càng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
SAS và những “ông trùm” về phân tích dữ liệu
Theo Gartner, doanh số phần mềm phân tích dữ liệu năm 2008 đã tăng 22%, đạt 8,8 tỉ USD. Trong số này, SAS chiếm khoảng 15% thị phần, bằng với Oracle; còn SAP nắm giữ 24% thị phần và IBM là 11%. Các sản phẩm SAS được gắn kết chặt chẽ trong những doanh nghiệp sử dụng chúng vì phần mềm sử dụng ngôn ngữ lập trình riêng và những chuyên gia vận hành hệ thống phải được đào tạo và thực sự hiểu biết về những phần mềm này. Điều đó sẽ khiến cho các khách hàng khó có thể chuyển sang các nhà cung cấp khác.
Bill Hostmann, nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Gartner, cho rằng sự tăng trưởng của SAS chủ yếu là do giá trị quá cao của gói phần mềm mà hãng cung cấp. Trung bình, để sở hữu gói phần mềm của SAS, khách hàng sẽ phải bỏ ra khoảng 1 triệu USD, cùng chi phí bảo trì, bảo dưỡng khoảng 20-30% mức giá chi ra ban đầu. “Điều đó làm cho sản phẩm của SAS trở thành một thương hiệu đắt tiền so với các đối thủ khác”, Bill Hostmann nhận xét.
Theo ước tính của Goodnight, đồng sáng lập SAS, hiện giá trị của hãng này đang ở mức 10-12 tỉ USD. Ngoài Goodnight, SAS cũng có một đồng sáng lập nữa là John Sall, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của hãng, và hiện đang sở hữu 1/3 cổ phần. Tạp chí Forbes năm 2009 đã xếp Goodnight ở vị trí thứ 33 trong số những doanh nhân giàu nhất nước Mỹ.
Cạnh tranh gay gắt
Xét về các đối thủ cạnh tranh, Jim Goodnight, Giám đốc điều hành SAS Institute tự hào không hãng nào có thể sánh kịp với SAS trên thị trường phần mềm phân tích dữ liệu trị giá 9 tỉ USD hiện nay. SAS sẽ chống đỡ được các mối đe dọa từ các đối thủ IBM, SAP và Oracle trong “cuộc chiến” này. SAS đã sử dụng 1tỷ USD tiền mặt để mở rộng trụ sở chính của hãng và năm tới, hãng dự kiến mở một trung tâm dữ liệu có trị giá 70 triệu USD để mở rộng việc phân phối phần mềm qua Web.
Trong hai năm trước, IBM, SAP và Oracle đã mua các công ty để cạnh tranh với SAS trong việc cung cấp phần mềm. Tuy nhiên, vị thế của SAS vẫn không hề bị ảnh hưởng bởi điều này, và ngay trong bối cảnh suy thoái kinh tế thời gian qua thì hoạt động sản xuất kinh doanh của SAS vẫn rất tốt, trong khi các đối thủ khác thì lại suy giảm.
Lượng bán lẻ năm nay của SAS vẫn giữ nguyên từ năm 2008, đạt 2,26 tỷ USD nhưng lợi nhuận có thể giảm 4%. Ngược lại, doanh thu của gã khổng lồ người Đức SAP sẽ giảm 8% vào năm nay, và Oracle - hãng phần mềm kinh doanh tại Mỹ đã trượt giảm 1% trong 12 tháng này.
Trong khi đó, IBM đang cố lôi kéo khách hàng của SAS tìm đến những giải pháp thay thế ít tốn kém hơn. Khoảng 1/4 doanh thu của SAS là từ các bản phần mềm cài đặt trên dòng máy chủ IBM. Điều này mang lại cho IBM nhiều lợi thế và cơ hội để chuyển khách hàng sang sử dụng sản phẩm của mình.
Sáp nhập rầm rộ để tăng sức mạnh
Trong 5 năm qua, IBM đã đầu tư 12 tỉ USD để mua lại 13 công ty chuyên về phân tích dữ liệu, đồng thời đã có những động thái nhằm đẩy mạnh nỗ lực R&D trong lĩnh vực này. IBM cũng chi ra 1,2 tỉ USD để mua lại SPSS – đối thủ của SAS vào tháng 7/2009. Tháng 4 trước đó, IBM đã thành lập một nhóm gồm 4.000 nhà tư vấn phân tích kinh doanh mà gã khổng lồ này hy vọng sẽ kiếm được 2 tỉ USD trong năm tới. IBM cũng chi 4,9 tỉ USD để mua lại hãng phần mềm Cognos (Canada) năm 2007.
Bộ phận bán lẻ của IBM đang cố gắng thuyết phục khách hàng rằng, Big Blue có thể làm tốt hơn SAS về cung cấp phần cứng, phần mềm và tư vấn dịch vụ mà doanh nghiệp cần kết hợp phân tích dữ liệu với các hoạt động kinh doanh của họ. Theo Rob Ashe, nhà quản lý của IBM, hãng này đang thèm muốn vị trí của SAS trong “mỏ vàng” dữ liệu và thống kê tuy SAS mới chỉ kiểm soát một phần nhỏ của lĩnh vực này.
Ngoài IBM, Oracle và SAP cũng đầu tư mạnh tay hơn cho lĩnh vực phân tích dữ liệu để tăng doanh thu. Năm 2007, Oracle đã mua lại Hyperion Solutions với giá 3,3 tỷ USD, và SAP mua lại Business Objects với giá 6,8tỷ USD.
Trong khi đó, SAS lại đang vướng vào cuộc tranh chấp với Google, Đại học Stanford và một số tổ chức nổi tiếng khác về việc sử dụng ngôn ngữ lập trình nguồn mở R để xây dựng các ứng dụng thống kê. Tuy nhiên, SAS vẫn có nhiều lợi thế hơn trong cuộc tranh chấp này. Phần mềm của hãng thường có thời gian cài đặt khá nhanh, dễ dùng, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, chi phí mà các doanh nghiệp này bỏ ra cũng chỉ khoảng vài chục ngàn USD để sử dụng sản phẩm của SAS. Đây cũng chính là lý giúp cho SAS có tỉ lệ tăng trưởng khá nhanh.
Hà Bùi - (Theo Businessweek)
(theo VnMedia)
|