Tin tức thời sự CNTT

Doanh nghiệp thời @ và vai trò của khôi phục thảm họa

30-10-2009 09:40

 
 

- Khảo sát mới nhất của Symantec đối với khu vực châu Á – TBD, bao gồm cả Việt Nam, cho thấy nhiều doanh nghiệp lầm tưởng về kế hoạch khôi phục thảm họa. Mỗi ngày, khách hàng chịu thiệt hại tới 10.000USD chỉ vì những gián đoạn trong hoạt động cung cấp dịch vụ dữ liệu của doanh nghiệp.

Những lầm tưởng “chết người”

Khảo sát của Symantec được tiến hành với 26 doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của Việt Nam cho thấy một xu hướng chung với tất cả các DNVVN của khu vực châu Á-TBD & Nhật Bản hiện nay. Đó là các doanh nghiệp lầm tưởng rằng khách hàng sẽ kiên nhẫn và “chịu đựng” những gián đoạn trong hoạt động cung cấp dữ liệu, rằng khách hàng ít tính tới giải pháp sẽ tìm kiếm một nhà cung cấp dịch vụ thay thế.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát lại cho thấy điều ngược lại. 43% khách hàng cho biết họ sẵn sàng rời bỏ nhà cung cấp dịch vụ kém chất lượng để chuyển sang nhà cung cấp khác tốt hơn. Cứ 10 khách hàng được hỏi về vấn đề này thì 7 người cho biết họ cảm thấy bất tiện, và thậm chí là tức giận với những gián đoạn do hệ thống máy tính của nhà cung cấp gây ra. 61% khách hàng đồng ý với nhận xét cho rằng những gián đoạn đó sẽ ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của nhà cung cấp dịch vụ.

Trong khi đó, khảo sát của Symantec trên 1.650 DNVVN cho thấy 29% khách hàng gặp vấn đề với nhà cung cấp dịch vụ, khiến họ thiệt hại không phải là nhỏ. Cụ thể, do những gián đoạn kiểu này, khách hàng mất khoảng 10.000USD/ngày; 24% khách hàng mất dữ liệu quan trọng; và 29% trong số này cân nhắc chuyển sang sử dụng dịch vụ khác.

Về phía các nhà cung cấp dịch vụ, cũng có những lầm tưởng không phải là nhỏ. 87% nhà cung cấp dịch vụ khi được hỏi trả lời rằng họ luôn sẵn sàng với các tình huống gián đoạn dịch vụ. 69% cho rằng khách hàng sẽ “kiên nhẫn” với những sự cố mà họ gặp phải. Tuy nhiên, khảo sát của Symantec cho thấy số lần gián đoạn dịch vụ của nhà cung cấp cao cấp 3 lần; và thực tế có tới 2/5 khách chuyển sang sử dụng dịch vụ cạnh tranh nếu họ không nhận được chất lượng như mong muốn.

Tại sao phải “khôi phục thảm họa”?

Việt Nam và các quốc gia khu vực châu Á-TBD rất hay phải đối mặt với các thiên tai như bão lũ, sóng thần, và động đất. Đây là những nguyên nhân bất khả kháng có thể ảnh hưởng tới chất lượng cung cấp dịch vụ bất cứ lúc nào. Ngoài ra, do cơ sở hạ tầng yếu kém nên nguồn điện của khu vực này cũng không ổn định, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các hoạt động tội phạm mạng tại đây cũng rất phức tạp, khiến doanh nghiệp thiệt hại khá nặng nề.

Trong thời buổi thông tin là “xương sống” trong hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay, thì việc duy trì chúng một cách thông suốt luôn được coi là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Mất dữ liệu, gián đoạn thông tin sẽ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp và khách hàng mất tiền, lòng tin giảm sút và hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng xấu.

Khảo sát của Symantec đã cho thấy một thực tế rằng các nhà cung cấp dịch vụ đã tự tin thái quá với kế hoạch khôi phục thảm họa của mình. 87% nhà cung cấp dịch vụ được hỏi nói rằng họ hoàn toàn hài lòng với kế hoạch khôi phục thảm họa. Trong khi đó một số lượng tương ứng các nhà cung cấp cũng tự tin cho rằng họ đang được bảo vệ rất tốt bởi những kế hoạch đó.

Kết quả cho thấy chỉ có khoảng 60% nhà cung cấp dịch vụ thực sự đạt được điều này. Số còn lại thậm chí còn không có ý niệm gì về kế hoạch khôi phục thảm họa. Trong khi đó, thật là lạ khi bản thân những nhà cung cấp đều ý thức được rằng họ sẽ thiệt hại rất lớn nếu điều đó xảy ra. Hơn 53% nhà cung cấp dịch vụ nói rằng họ sẽ mất ít nhất 40% cơ sở dữ liệu nếu thiên tai, hoặc các hiểm họa bất khả kháng “sờ gáy”. Tuy vậy, chỉ có 60% nhà cung cấp sao lưu dữ liệu khách hàng, và chỉ có 26% trong số này là sao lưu dữ liệu hàng ngày. Số liệu này cho thấy mức độ backup dữ liệu thường xuyên quá thấp, và nếu có xảy ra sự cố gì thì chính các nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng sẽ thiệt hại đầu tiên.

Giải pháp nào?

 Ảnh minh họa

 Bà Suzie Tan, Giám đốc Symantec
Việt Nam.
Ảnh: VH

Trao đổi với phóng viên VnMedia, bà Suzie Tan, Giám đốc Symantec Việt Nam cho biết, ý thức về khôi phục thảm họa và sự cần thiết của những giải pháp sao lưu, chống virus… của các doanh nghiệp Việt Nam (kể cả những nhà cung cấp dịch vụ) đã tốt hơn trước đây rất nhiều. Cũng theo bà Tan, không có sự khác biệt lớn về ý thức, kế hoạch và sự chuẩn bị cho khôi phục thảm họa giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp trong khu vực. Trong số 26 DNVVN được Symantec khảo sát đợt này có 70% là nhà cung cấp dịch vụ và 30% là khách hàng của những nhà cung cấp này.

Bà Tan cho rằng các DNVVN nên thực hiện các bước sau để giảm thiểu thiệt hại từ những nguyên nhân bất khả kháng:

+ Xác định nhu cầu của mình: DNVVN cần phải dành thời gian để quyết định xem thông tin quan trọng nào cần được bảo vệ và bảo đảm an toàn. Thông tin về khách hàng, thông tin tài chính và về hoạt động kinh doanh, bí quyết kinh doanh và các tài liệu quan trọng cần phải được ưu tiên.   

+ Sử dụng những nhà tư vấn đáng tin cậy: Với thời gian, ngân sách và nhân lực có hạn, DNVVN có thể tìm kiếm một nhà cung cấp giải pháp giúp họ lập kế hoạch, triển khai giải pháp bảo vệ tự động hóa và giám sát những xu hướng, những mối đe dọa mà DNVVN nên phòng vệ. 

+ Tự động hóa cho những quy trình có thể được: Tự động hóa quy trình sao lưu giúp đảm bảo quy trình này sẽ không bị bỏ qua. Các DNVVN có thể giảm thiểu tổn thất do ngưng trệ hệ thống bằng cách ứng dụng những công cụ tự động hóa giúp giảm thiểu sự can thiệp của con người, đồng thời giúp giải quyết những điểm yếu khác trong kế hoạch khôi phục thảm họa của họ.

+ Kiểm tra định kỳ hàng năm: Khôi phục dữ liệu sẽ là khoảng thời gian tồi tệ nhất khi biết rằng những tệp tin quan trọng có thể không được sao lưu như dự kiến. Việc kiểm định quá trình khôi phục thảm họa là không thể thiếu và các DNVVN cần phải tìm cách cải thiện mức độ thành công của kiểm định bằng cách đánh giá, lựa chọn cũng như ứng dụng các phương pháp kiểm định mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống.


Gia Vũ

(Theo VnMedia)

Các tin liên quan