Tin tức thời sự CNTT

Thế hệ trẻ là tương lai của CNTT

27-08-2009 11:56

- Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân  tại buổi đối thoại ICT cao cấp diễn ra vào chiều 26/8 giữa quan chức chính phủ Việt Nam với các sinh viên, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế nhằm mang đến cho thế hệ trẻ cái nhìn toàn cảnh về ngành CNTT Việt Nam cũng như truyền lửa cho các sinh viên CNTT tiếp tục thắp sáng ngành CNTT nước nhà.

 Ảnh minh họa

 Đặc phái viên của Thủ tướng chính phủ Đỗ Trung Tá, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Viễn thông Châu Á và Châu Đại Dương và Tổng thư ký liên minh Viễn thông ITU tham gia buổi đối thoại trực tuyến.

Ngay trong khai mạc buổi đối thoại, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh CNTT hiện đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của nền kinh tế xã hội và đã được Đảng và nhà nước lựa chọn làm ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế của đất nước, là công cụ phương tiện thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phải triển cũng như giúp Việt Nam bắt kịp các nước trên thế giới. Trong đó, tương lai của ngành CNTT cũng chính là tương lai của thế hệ trẻ. Vì vậy để đẩy mạnh sự phát triển CNTT-VT của đất nước cần phải chuẩn bị sẵn sàng nhân lực CNTT. Hơn nữa, hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng cũng không kém phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển này.

Thứ nhất về hành lang pháp lý, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng cho rằng Quản lý phải tạo ra được một hành lang pháp lý thuận lợi và phù hợp để thúc đẩy sự phát triển chứ không phải kìm hãm sự phát triển. Thứ trưởng nhấn mạnh sự phát triển CNTT, đặc biệt là Internet, cũng đang có nhiều mặt trái và gây ảnh hưởng rất lớn đến người dùng nhưng không thể không đưa ra những biện pháp hạn chế, giúp người dùng có thể tiếp cận với tiến bộ trong CNTT. Bùng nổ CNTT-VT như vũ bão trong thời gian qua khiến cho các đối tượng quản lý luôn thay đổi. Chính vì thế, năng lực của nhà quản lý cũng phải bắt kịp với sự thay đổi đó. 
 
Còn theo đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, ông Đỗ Trung Tá, do tốc độ phát triển CNTT-VT nhanh đến chóng mặt nên để không làm giảm tốc độ phát triển của lĩnh vực này, nhà nước đã có chính sách vừa thoáng lại hợp lý. Đó là phát triển đến đâu sẽ quản lý đến đó chứ không phải theo cách thức trước đây là quản lý đến đâu mới cho phát triển đến đó. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh nếu ngành nào có quản lý và chính sách đi trước một bước thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Điều này cũng được khẳng định bởi Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Viễn thông Châu Á. Ông cho rằng chính sách của một quốc gia rất quan trọng đối với sự phát triển CNTT.
 
Thứ hai là hạ tầng CNTT-VT, đây được ví như là xương sống, là mạch máu nuôi dưỡng CNTT và đời sống xã hội hiện nay. Khó có thể nói hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT của Việt Nam hiện nay đã hoàn thiện, nhưng thời gian qua với việc phóng thành công vệ tinh Vinasat-1, và sự tham gia ngày càng rộng rãi của các doanh nghiệp Việt Nam vào nhiều tuyến cáp quang quốc tế như tuyến Châu Á-Châu Mỹ, tuyến Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á,... cho thấy những nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT-VT. 

Do đó, hạ tầng dành cho CNTT-VT của nước ta đủ đảm bảo hoạt động thông suốt dung lượng cao mà không lo sự cố bị cô lập tuyến quốc tế như trong vụ đứt cáp quang biển năm 2007. Hiện nay, các tuyến liên tỉnh và liên huyện đã sử dụng cáp quang và đã đáp ứng nhu cầu liên lạc của người dân.
 
Thứ ba là vấn đề nhân lực CNTT. Đây là một vấn đề khá nóng trong thời gian qua khi chất lượng sinh viên CNTT ra trường không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng (chỉ 1/10 sinh viên đủ tiêu chuẩn tuyền dụng). Phái viên của Thủ tướng chính phủ, ông Đỗ Trung Tá cho rằng, muốn Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT thì nguồn nhân lực sẽ quyết định sức mạnh phát triển CNTT. Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT hiện nay thì mục tiêu đào tạo phải gắn liền với nhu cầu sử dụng. Hơn nữa, những sinh viên CNTT cần phải có những lựa chọn tùy theo năng lực và yêu thích, đam mê với ngành cũng như quyết tâm theo đuổi đến cùng. Có như vậy, chất lượng sinh viên CNTT ra trường chắc chắn sẽ được nâng cao.
 
Bên cạnh đó, khi được hỏi về kế hoạch để đẩy mạnh CNTT của nước nhà, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, để có một kế hoạch đẩy mạnh CNTT tốt cần căn cứ vào ba yếu tố. Đó là phải biết được nhu cầu thị trường, đánh giá được thị trường nước ngoài và chuẩn bị sẵn sàng nhân lực cho CNTT. Chính phủ đã có nhiều chính sách, chương trình mục tiêu để đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực CNTT Việt Nam hiện nay như tạo khu phần mềm tập trung, CPĐT,... Vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực CNTT không chỉ được sinh viên, doanh nghiệp quan tâm mà cả nhà nước và xã hội rất chú trọng.

 Ảnh minh họa

 Các sinh viên và những chuyên gia CNTT hứng khởi tham gia buổi đối thoại trực tuyến.


Hơn nữa, trong buổi đối thoại sinh viên còn được giao lưu thân mật với ba lãnh đạo của ba công ty CNTT lớn tại Việt Nam là Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình; Tổng giám đốc IBM Việt Nam và Tổng giám đốc Intel Việt Nam. Cả ba lãnh đạo doanh nghiệp này đã tâm sự rất thật với sinh viên về con đường dẫn dắt họ đến với CNTT. Tuy mỗi người đến với CNTT theo những con đường khác nhau, nhưng cả ba đều khẳng định dù con đường đưa họ đến với CNTT như thế nào đi chăng nữa thì để có thể thành công với CNTT thì cần phải tâm huyết và đam mê CNTT.

 

Hà Bùi - (Bài & ảnh)

(Theo VnMedia)

Các tin liên quan