Tin tức thời sự CNTT

Microsoft, Yahoo chính thức bắt tay nhau

30-07-2009 10:31

 
 

 - Cuối cùng Microsoft đã thuyết phục được Yahoo bắt tay liên minh để cùng chung tay chống lại “gã khổng lồ” Google trên thị trường quảng cáo trực tuyến. Bản hợp đồng hợp tác 10 năm đã chính thức được công bố hôm qua (29/7).
 
Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer đã gần như không thể giấu được niềm vui khi cuối cùng đã thuyết phục được Yahoo “đầu hàng” – điều mà ông đã nỗ lực theo đuổi trong suốt 3 năm gần đây.
 
“Tôi thực sự rất vui,” ông Ballmer khẳng định. “Đây là những gì mà tôi đã nói 18 tháng trước đây. Google sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khố liệt hơn. Người dùng, nhà quảng cáo và nhà phát hành nội dung sẽ được phục vụ tốt hơn.”
 
Lợi ở đây…
 
Có thể nói rằng bản hợp đồng với Yahoo sẽ mang lại cho Microsoft rất nhiều lợi thế. Trước hết là cái lý để Microsoft có thể lớn tiếng tuyên bố rằng công nghệ tìm kiếm mới Bing của hãng này không hề thua kém sản phẩm của Google một chút nào.
 
Cái lợi thứ hai mà Microsoft có được là trong tức thời tăng gấp ba lần thị phần của Bing trên thị trường tìm kiếm trực tuyến Mỹ. Hiện thị phần của Bing đứng ở mức 28%. Song con số này vẫn còn kém rất xa so với 65% thị phần của Google.
 
Cái lợi tiếp theo mà bản hợp đồng hợp tác mang lại cho Microsoft và Yahoo là cho phép hai hãng có thể tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực thế mạnh hơn.
 
Về phía Yahoo, chuyển giao bộ phận tìm kiếm cho Microsoft, hãng này sẽ tập trung vào lĩnh vực quảng cáo banner trực tuyến đồng thời tìm cách thu hút nhiều hơn lượng người dùng truy cập vào các trang web dịch vụ của hãng này. Hiện trung bình mỗi tháng Yahoo thu hút được khoảng 570 triệu lượt người truy cập.
 
Cắt giảm nguồn chi phí đầu tư cho công nghệ tìm kiếm còn có thể giúp Yahoo đẩy lợi nhuận hoạt động tăng thêm khoảng 500 triệu USD. Song phải đến tận năm 2012 thì “việc cắt giảm chi phí” này mới bắt đầu cho thấy hiệu quả. Năm 2012 cũng là năm mà Microsoft và Yahoo hi vọng sẽ giải quyết được mọi vấn đề trong việc kết hợp đầy đủ công nghệ của cả hai hãng.
 
Ngay sau khi bản hợp đồng được công bố thị trường tài chính đã có những phản ứng đầu tiên. Cổ phiếu Microsoft tăng giá trong khi đó cổ phiếu của Yahoo mất tới 12% giá trị. Điều này cho thấy các nhà đầu tư thất vọng về “sự đầu hàng” của Yahoo. Cổ phiếu của Google tiếp tục tăng giá lên tới mức 436,24 USD.
 
Câu chuyện 6 tháng
 
Như vậy, Carol Bartz – Giám đốc điều hành mới nhậm chức của Yahoo – đã phải mất tới 6 tháng mới có thể hoàn tất được một bản hợp đồng hợp tác có lợi cho cả hai hãng. Đây là điều mà những người tiền nhiệm của bà Bartz là Terry Semel và Jerry Yang đều không muốn.
 
Gần như ngay sau khi về với Yahoo, bà Bartz đã nói thẳng là muốn bán bộ phận tìm dịch vụ tìm kiếm trực tuyến của hãng này để “kiếm về một khoản” nhằm phần nào giúp hãng vượt qua tình trạng tài chính khó khăn đồng thời tập trung phát triển mảng dịch vụ khác.
 
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy bà Bartz xúc tiến việc bán đi bộ phận tìm kiếm bắt nguồn từ quan điểm cho rằng Yahoo có nhiều cách để tìm hiểu nhu cầu sở thích của người dùng chứ không cần phải dựa duy nhất vào công cụ tìm kiếm. Ngoài ra bà Bartz cũng dự báo bán bộ phận tìm kiếm sẽ mang lại lợi ích cho Yahoo về lâu về dài.
 
Chuyên gia phân tích Rob Enderle thẳng thừng tuyên bố đội ngũ lãnh đạo trước đây của Yahoo đã phạm quá nhiều “lỗi ngớ ngẩn” trong việc đàm phán thực hiện bản hợp đồng có nhiều lợi ích như trên. Ông Enderle cũng khẳng định cái lợi lớn nhất mà bản hợp đồng mang lại cho Yahoo là giúp hãng này tập trung nguồn lực phát triển các dịch vụ để có thể cạnh tranh được với các đối thủ như Facebook.
 
Chuyển giao bộ phận tìm kiếm cho Microsoft nhưng Yahoo sẽ vẫn được truy cập giới hạn đến dữ liệu người dùng dịch vụ tìm kiếm đó. Cụ thể đó là những thông tin có thể giúp hãng chọn lựa được những loại quảng cáo phù hợp nhất với nhu cầu của người sử dụng.
 
Đây là lý do giải thích rõ vì sao mà Microsoft luôn tìm mọi cách để tăng số lượng yêu cầu tìm kiếm được xử lý trên công cụ của hãng này và vì sao Google giành được doanh thu quảng cáo trực tuyến lớn đến như thế. Google là hãng xử lý nhiều yêu cầu tìm kiếm nhất trên thế giới.
 
Còn chờ phê duyệt
 
Bản hợp đồng hiện còn phải chờ đợi các nhà quản lý chống độc quyền Mỹ phê duyệt thì mới có hiệu lực. Mục đích của việc này là đảm bảo rằng bản hợp đồng không có bất kỳ tác động gì đến vấn đề cạnh tranh trên thị trường quảng cáo trực tuyến cũng như việc đảm bảo tính riêng tư của người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm.
 
Google trước đây đã một lần nỗ lực ngăn cản không cho Yahoo “rơi vào tay” Microsoft cũng bằng một bản hợp đồng hợp tác chia sẻ doanh thu quảng cáo tương tự. Song bản hợp đồng đã không được các cơ quan quản lý thông qua với lý do nếu hai hãng hợp tác sẽ giành được vị thế thống trị trên thị trường quảng cáo trực tuyến ảnh hưởng đến cạnh tranh.
 
Bản thân Microsoft khi đó cũng đã nỗ lực rất nhiều ngăn cản sự liên minh giữa Google và Yahoo. Chính vì thế mà giờ đây Microsoft cũng đang chuẩn bị đề phòng trường hợp Google lên tiếng phản đối bản hợp đồng với Yahoo lần này.
 
Adam Kovacevich – người phát ngôn của Google – tuyên bố: “Cạnh tranh trên thị trường trực tuyến lúc nào cũng rất khốc liệt. Song cạnh tranh lại góp phần mang lại những điều tuyệt vời cho người dùng. Google quan tâm tới bản hợp đồng giữa Microsoft Yahoo.”
 
Kevin Lee – Giám đốc điều hành hãng marketing trực tuyến Didit Inc. – nhận định rằng các nhà quảng cáo trực tuyến có lẽ sẽ ủng hộ Microsoft bởi họ không muốn phải dựa duy nhất vào Google. “Không nên chỉ có một chọn lựa duy nhất”.

 

Hoàng Dũng - (Tổng hợp)

(Theo VnMedia)

Các tin liên quan