Tin tức thời sự CNTT

Chính phủ điện tử Việt Nam có giậm chân tại chỗ?

20-07-2009 10:50

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT và các đại biểu tham gia tại Hội thảo.
 

- Quá trình triển khai Chính phủ điện tử (CPĐT) ở nước ta đã kéo dài 15 năm nhưng cho đến nay các dịch vụ công được đưa vào sử dụng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước thực tế đó nhiều người đã cho rằng quá trình triển khai CPĐT ở Việt Nam quá chậm nếu không muốn nói là giậm chân tại chỗ.

Đánh giá đó liệu có quá khắt khe hay tiến trình thực hiện này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay? Điều đó đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra phân tích và thảo luận tại buổi Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 7 được tổ chức ngày 16/7 tại Tp HCM. Tại đây, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định, đánh giá về tình hình triển khai CPĐT hiện nay và trong những năm tiếp theo.

Có giậm chân tại chỗ?

Để đánh giá việc triển khai CPĐT nhanh hay chậm, chúng ta không thể nhìn nhận theo hướng chủ quan từ một phía mà phải dựa vào thực tế, từ sự tương quan của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới. Nhìn vào bản đồ này có thể thấy rằng thứ bậc CPĐT của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong các năm gần đây. Cụ thể, năm 2004 xếp thứ 112, năm 2005 xếp thứ 105 và năm 2008 tăng hẳn 16 bậc - vươn lên xếp hạng thứ  91. Như vậy, tương quan việc triển CPĐT của Việt Nam so với các nước khác trên thế giới có nhích lên chứ ko hề là giậm chân tại chỗ.

Hơn nữa, theo các đánh giá khác trong nước, cho dù có nhiều dự án, nhiều chương trình chưa thành công hay chưa đạt được mục tiêu đặt ra, thì thực tế việc ứng dụng CPĐT ở các bộ, ngành, các cấp ở địa phương vẫn đang tiến triển, vẫn đang đi lên và bước đầu cũng đã đạt được một số kết quả nhất định. Đó là đã có tới 2/3 các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã triển khai họp giao ban trực tuyến tới các đơn vị trực thuộc, trong khi đó con số này tại các tỉnh thành chỉ có 38%.

Các dịch vụ hành chính công (HCC) đã dần được đưa lên các cổng thông tin điện tử. Hiện có gần một nửa tỉnh, thành phố đã triển khai mô hình một cửa liên thông ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, sự nhích lên này vẫn chưa làm thỏa mãn nhu cầu người dùng trong nước, những người luôn khát khao sớm có được các dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn nữa.

Vì sao cần một lộ trình dài hơi?

Việc thực hiện CPĐT đã được nhà nước lên giây cót từ rất lâu nhưng không phải có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Sở dĩ như vậy là bởi vì CPĐT trước hết là để mang lại lợi ích cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ công trực tuyến và giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp. Vì vậy, để có thể tiếp cận các dịch vụ của CPĐT thì người dân cũng cần phải có một trình độ hiểu biết nhất định về CNTT. Nhưng hiện nay, đa phần người dân vẫn chưa nhận thức rõ vai trò và lợi ích của việc áp dụng CPĐT đem lại, đại bộ phận chưa bao giờ tiếp cận với máy tính và việc truy cập vào Internet là khó khăn và xa vời. Tuy nhiên, chỉ có một bộ phận nào đó có trình độ luôn mong muốn thúc giục sự phát triển CPĐT. Nhưng con số này chưa phải là nhiều.

Theo những số liệu mới nhất mà Tổng cục Thống kê công bố tháng 3/2009, cả nước hiện mới chỉ có 17,2% số lao động biết sử dụng máy tính, chủ yếu là các ngành nghề có liên quan chẳng hạn như ngành thông tin truyền thông, tài chính ứng dụng… Các chuyên gia khẳng định tỉ lệ 17,2% là con số cực kỳ khiêm tốn cho thấy trình độ ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam vẫn còn khá thấp, và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc triển khai CPĐT hiện nay và sau này.

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế xã hội cũng là một rào cản mà những nhà hoạch định triển khai CPĐT cũng phải cân nhắc tới. Mặt bằng chung của nền kinh tế xã hội cũng làm cho việc đầu tư phát triển lĩnh vực này cũng bị giới hạn. Cho dù có ưu tiên nhưng Chính phủ cũng cần phải cân đối đầu tư cho các lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Bên cạnh đó, những thói quen làm việc trên giấy tờ của người dân, công chức và quan chức còn cần có thời gian để chuyển đổi. Một nước có GDP tương đối thấp như nước ta, lại chưa có kinh nghiệm thực tế triển khai CPĐT nên rất cần sự quyết tâm của những người lãnh đạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên quy mô nhỏ, sau đó mới nhân rộng ra cả nước.

Vì vậy, việc triển khai CPĐT không thể diễn ra ngay lập tức mà cần phải cân bằng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội ở Việt Nam cũng như trình độ dân trí hiện nay.

Cơ hội vàng cho CPĐT

Ảnh minh họa
Ông Patrick J.Mcgovern, Chủ tịch Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG phát biểu tại Hội thảo.

Theo ông Patrick J.Mcgovern, Chủ tịch Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên các quốc gia trên thế giới trong năm qua chỉ đạt mức tăng trưởng âm. Trong khi đó, Việt Nam là một trong 4 quốc gia đạt mức tăng trưởng dương. Tuy tăng trưởng kinh tế không lớn lắm chỉ 5 hoặc 6% một năm nhưng đây sẽ là cơ hội cho việc triển khai CPĐT thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một thị trường CNTT và Viễn thông đang phát triển mạnh nên sẽ thu hút được vốn đầu tư của các nước trên thế giới vào Việt Nam.

Cũng theo ông Patrick J.Mcgovern, các chuyên đề của Hội thảo năm nay rất phù hợp với thực tế triển khai CPĐT tại các địa phương. Điều này sẽ giúp các địa phương chia sẻ kinh nghiệm và dần nhân rộng mô hình này ra toàn quốc. Từ đó sẽ tạo ra sự tương tác giữa chính phủ và người dân hiệu quả hơn rất nhiều. Do đó, việc triển khai thành công CPĐT sẽ thúc đẩy nền kinh tế nước nhà đi lên.


Hà Bùi

(Theo VnMedia)

Các tin liên quan