Tin tức thời sự CNTT

Việt Nam chưa có chính sách phát triển dịch vụ CNTT rõ ràng

01-07-2009 09:49

- Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Minh Hồng, tại hội thảo “Chính sách quản lý và hỗ trợ phát triển dịch vụ CNTT tại Việt Nam” tổ chức sáng nay (30/6) tại Hà Nội. Theo đó, ngành dịch vụ CNTT trong nước hiện vẫn còn thiếu các văn bản pháp lý, không có các quy định cụ thể về cơ chế, điều kiện hoạt động để quản lý loại hình dịch vụ này.

Ảnh minh họa
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hồng, thứ trưởng bộ TT-TT phát biểu tại hội thảo.

Cũng theo Thứ trưởng Hồng, ngành dịch vụ CNTT trong nước vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có, một phần là do cơ chế chưa rõ ràng, phần còn lại là do nhà nước chưa có nhiều chính sách ưu tiên để chuyên nghiệp hóa ngành dịch vụ này. Ông Hồng cũng hy vọng rằng Bộ sẽ nhận được những ý kiến đóng góp nhằm giúp chính phủ có thể ban hành những quy định tháo gỡ bớt rào cản và thúc đẩy phát triển hơn nữa ngành dịch vụ CNTT của Việt Nam.

Cùng chung nhận định với ông Hồng, các chuyên gia khác cũng cho rằng hiện tại dịch vụ CNTT Việt Nam còn nhiều hạn chế về số lượng, khả năng đầu tư, tính chuyên nghiệp và thiếu nhiều văn bản pháp lý (hướng dẫn luật CNTT, quy định cụ thể về hoạt động tư vấn cho các dự án CNTT, an toàn thông tin…). Trong khi đó, tuy số doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ CNTT có nhiều nhưng chưa có doanh nghiệp nào thực sự chuyên sâu về một loại hình dịch vụ cụ thể. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp cho dịch vụ CNTT thì hầu như là chưa có.

Còn theo ông Đỗ Cao Bảo, Giám đốc điều hành Công ty Hệ thống thông tin FPT, thì chính phủ cần phải đầu tư tương xứng cho ngành dịch vụ và tư vấn dự án CNTT nếu muốn đẩy mạnh ngành này. Ngoài ra, chính phủ cũng cần phải có những ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Về các chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ chưa được quy định cụ thể, một số doanh nghiệp cho rằng chính phủ không nên quy định chất lượng dịch vụ theo kiểu tiền kiểm như trước đây mà nên đánh giá dựa theo những cam kết chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp đã hứa cung cấp cho khách hàng. Có như vậy, việc đánh giá chất lượng dịch vụ sẽ khoa học hơn và hạn chế được những bất cập về năng lực quản lý khi các chuẩn đánh giá được định sẵn.

Trên thế giới, doanh số của ngành dịch vụ CNTT chiếm 40-60% tổng doanh thu của lĩnh vực CNTT. Trong khi đó, ở Việt Nam con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Các chuyên gia cho rằng để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ CNTT theo xu thế thế giới, Việt Nam cần sớm xây dựng các nghị định hướng dẫn điều kiện hoạt động, cơ chế, và chính sách.


Hà Bùi - (Tin & ảnh)

(Theo VnMedia)

Các tin liên quan