- Chiều 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Tần số Vô tuyến điện (VTĐ). Nội dung thảo luận tập trung vào việc xác định rõ cơ quan quản lý Nhà nước đối với tần số VTĐ; đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ; về phí sử dụng tần số VTĐ...
Theo ý kiến của các đại biểu, nội dung của dự án Luật đã tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước về tần số VTĐ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tình hình phát triển đất nước, giải quyết một cách khá cơ bản các vấn đề bất cập của pháp luật trong lĩnh vực tần số VTĐ hiện nay.
Thời gian qua, cơ quan quản lý tần số vô tuyến điện đã xử lý trên 800 vụ can nhiễu, phát hiện và xử lý trên 9.000 vụ vi phạm các quy định về sử dụng tần số VTĐ nhưng chưa quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng tần số VTĐ. Do đó, đại biểu Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh), công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng tần số VTĐ đòi hỏi phải được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu Niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi tán thành việc thành lập Ủy ban Tần số VTĐ với vai trò tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về hoạt động phối hợp quản lý và sử dụng tần số VTĐ. Theo đó, Uỷ ban tần số VTĐ được thành lập là để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về vấn đề phối hợp, điều hòa sử dụng phổ tần số giữa các lĩnh vực này nhằm đảm bảo cho các hệ thống VTĐ hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, ông kiến nghị cần phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ và vị trí của Ủy ban này với cơ quan quản lý Nhà nước mang tính chuyên ngành. Cũng theo ông Thi, Những hoạt động quản lý thường xuyên liên quan đến tần số vô VTĐ thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đại biểu Đỗ Căn (đoàn Hà Nội) cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước hoạt động quản lý và sử dụng tần số VTĐ liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là bảo đảm an ninh, quốc phòng. Vì vậy, dự án Luật quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số VTĐ là cần. Trên thực tế,Uỷ ban tần số VTĐ đã được Chính phủ thành lập và hoạt động có hiệu quả hơn 20 năm qua và đã có đóng góp thiết thực trong việc tư vấn, phối hợp hoạt động sử dụng tần số VTĐ ở nước ta.
Hiện nay, một số băng tần được dùng chung cho cả lĩnh vực dân sự, an ninh, quốc phòng, do đó theo các đại biểu, trong quá trình xây dựng và sử dụng tần số VTĐ sự phối hợp tốt giữa các cơ quan này với nhau. Theo đại biểu Phạm Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên), để đảm bảo hài hoà việc sử dụng tần số vô tuyến điện giữa 3 khối dân sự, an ninh, quốc phòng, các quy định về công tác phối hợp và quản lý cần được cụ thể hoá hơn nữa. Do đặc thù của ngành Quốc phòng và an ninh, cần có thêm các quy định chi tiết của pháp luật trong việc phối hợp sử dụng, quản lý tần số và thiết bị VTĐ để nâng cao hiệu quản lý và sử dụng các băng tần.
Theo dự án Luật quy định việc áp dụng phương thức đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ đối với các băng tần số, kênh tần số có giá trị thương mại cao, khi nhu cầu đăng ký sử dụng vượt quá khả năng phân bổ các băng tần số, kênh tần số đó và giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về đấu giá, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về thi tuyển. Riêng về quy định về đấu giá, các đại biểu cho rằng không nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước quyết định bởi đây là một vấn đề mới, nên việc đấu giá hay thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ phải phụ thuộc vào giá trị của nó ở từng thời kỳ cụ thể. Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi của Luật, dự án Luật quy định theo hướng cho phép áp dụng phương thức đấu giá trong cấp giấy phép quyền sử dụng tần số, còn áp dụng với băng tần nào, kênh tần số nào, vào thời điểm nào sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định để linh hoạt với từng thời kỳ cụ thể.
Sáng mai (16/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cơ yếu.
Anh Thi
(Theo VnMedia)
|