 |
Giám đốc điều hành Intel Paul Otellini trong một lần giới thiệu sản phẩm vi xử lý mới. |
|
|
- Chắc chắn Intel sẽ không thoát khỏi sự cấm đoán tại thị trường châu Âu. Còn tại Mỹ, luật chống độc quyền ngày càng sát sao của chú Sam khiến cho hãng sản xuất chip số 1 thế giới này buộc phải cân nhắc các bước đi thận trọng hơn nếu không muốn nếm phải “trái đắng” như Microsoft hiện nay.
Ngày 11/5 vừa qua, Trợ lý thẩm phán Christine Varney cho biết Bộ Tư pháp Mỹ sẽ thực thi các biện pháp chặt chẽ hơn với hành vi độc quyền. Bà Varney cũng nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ có những biện pháp mạnh tay đối với hành vi này trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Bà Varney cũng không quên cảnh báo rằng tòa án và các bên liên quan sẽ quan tâm và chỉ đạo sát sao các vụ chống độc quyền trong thời gian tới đây.
Bị cơ quan chống độc quyền “sờ gáy”
Một trong những vụ kiện chống độc quyền nổi bật mà các quan chức EU đang bận rộn vào cuộc đó là tìm bằng chứng buộc tội hành vi chống cạnh tranh của Intel tại châu Âu. Nếu có đủ các bằng chứng này, Intel có thể bị phạt tới 1,36 tỉ USD, một số tiền rất lớn trong bối cảnh các hãng sản xuất đang gặp khó khăn như hiện nay. Dự kiến vào ngày 13/5, EU sẽ đưa ra thông báo cho biết Intel đã vi phạm đạo luật chống độc quyền của EU bằng cách cấu kết với các nhà sản xuất để họ không sử dụng sản phẩm chip của đối thủ AMD.
Động thái của EU sẽ đánh động tới Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC), vốn đang điều tra các hành vi độc quyền của Intel tại Mỹ. FTC sẽ thực thi các biện pháp mạnh tay hơn đối với hãng này, chẳng hạn như chuyển từ điều tra lên cấp độ khởi kiện. Tuy nhiên, bản thân FTC luôn từ chối cho rằng mình “theo đóm ăn tàn”, rằng không phải vì quyết định của EU mà tổ chức này mới quan tâm sát sao tới Intel.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cho rằng không ít thì nhiều quyết định của EU vẫn làm hâm nóng quyết tâm của FTC. Đây là một sự kiện khác lạ bởi dưới thời ông Bush, ít khi những phán quyết chống độc quyền của EU có sức lan tỏa qua Đại Tây Dương. Albert Foer, Chủ tịch Viện chống độc quyền Mỹ ( American Antitrust Institute), một nhóm chuyên nghiên cứu các hành vi và biện pháp chống độc quyền tại châu Âu, cho rằng sự ảnh hưởng của EU tới FTC là nhất định. Bản thân bà Varney và các quan chức trong chính quyền Obama đều được xem là có thái độ cương quyết và dứt khoát đối với hành vi độc quyền. Bà Varney có quan hệ rất thân thiết với FTC và do vậy quan điểm của bà sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thái độ của FTC đối với Intel.
Bị “tố” là thông đồng với đối tác
Trong cuộc chiến “tương tàn” giữa EU và cơ quan chống độc quyền của Mỹ với Intel thì AMD vẫn là người được hưởng lợi nhiều nhất. Trong nhiều năm qua, hãng này liên tục kêu gọi các quan chức EU và Mỹ cấm vận Intel vì những gì hãng này đã làm đối với AMD. AMD nói rằng hãng đã thiệt hại rất lớn từ hành vi chống cạnh tranh của Intel trên thị trường chip máy tính công nghiệp x86 trị giá 30 tỉ USD hiện nay. Các nhà làm luật của EU cũng cáo buộc Intel trả tiền cho một nhà phân phối máy tính tại Đức để họ không sử dụng chip AMD, hoặc bán chip với giá thấp hơn giá quy định để triệt hạ đối thủ.
Trong khi đó, phát ngôn viên Intel đã có tuyên bố chính thức bác bỏ cáo buộc của EU, nói rằng Intel chỉ cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật vì lợi ích của khách hàng. Cổ phiếu Intel trong phiên giao dịch ngày 11/5 tăng 0,5%, đạt mức 15,37USD/cổ phiếu. Cổ phiếu của hãng này đã tăng thêm 4,8% trong năm nay. Trên thực tế, Intel vẫn chiếm lĩnh vị trị số 1 trên thị trường chip PC – nắm giữ 77,3% thị phần trong quý 1 vừa qua; trong khi AMD chỉ nắm giữ 22,3%.
AMD cáo buộc rằng sở dĩ hàng này không nắm giữ được nhiều thị phần hơn chủ yếu là do Intel đã trả tiền cho các nhà sản xuất máy tính để họ gạt bỏ sản phẩm của AMD ra khỏi danh sách. Ngoài ra, AMD cũng cho rằng Intel đã ép buộc các nhà sản xuất PC phải sử dụng sản phẩm của họ, nếu không các nhà sản xuất sẽ gặp rất nhiều phiền phức. Phát ngôn viên AMD, Mike Silverman, nói trong e-mail rằng công ty này đề nghị FTC phải tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc, đồng thời kêu gọi Bộ Tư pháp Mỹ phải xem xét kỹ vụ việc này.
Trong quá khứ, những cáo buộc của AMD đã khiến cho Intel nếm rất nhiều trái đắng. Năm 2005, AMD kiện Intel tại Tòa án quận Delaware trong một vụ kiện dân sự mà phần thắng nghiêng về AMD. Văn phòng chưởng lý Andrew Cuomo tại New York đang tiến hành điều tra cáo buộc Intel triệt hạ cạnh tranh và gây tổn thương cho khách hàng bằng cách ép buộc trái phép các nhà sản xuất PC sử dụng chip máy tính của họ. Hãng chip này cũng gặp những phiền phức pháp lý tương tự tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Google cũng trong tầm ngắm
Intel không phải là mục tiêu duy nhất của cơ quan chống độc quyền Mỹ. Theo bà Varney, sự lớn mạnh một cách đáng nghi ngờ của Google trong lĩnh vực điện toán Internet sẽ khiến hãng này phải đối mặt với kiện tụng. Hồi đầu năm vừa qua, thỏa thuận quảng cáo của Google và Yahoo đã bị Bộ Tư pháp Mỹ ngăn cản vì nghi ngờ có dấu hiệu độc quyền. Cơ quan này cũng đang đánh giá khía cạnh độc quyền của Google trong hành vi scan hàng triệu cuốn sách để đưa lên mạng. Ngoài ra, sự chồng chéo trong ban lãnh đạo Google và Apple mới đây cũng khiến FTC để mắt tới xem đằng sau việc làm này đang ẩn giấu những âm mưu liên kết độc quyền nào.
Trong bài phát biểu hồi cuối năm ngoái, bà Varney đã gọi Microsoft – vốn là “kẻ thù” số 1 của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) là vụ án cuối cùng của thế kỷ; đồng thời kêu gọi DOJ hãy để mắt tới cả sự bành trướng trong lĩnh vực điện toán Web của Google. Tuy nhiên, trong e-mail phản hồi của phát ngôn viên Google Adam Kovacevich, ông này lại nói rằng nỗ lực của bà Varney là một bước đi đáng kể, và nền kinh tế Mỹ cần phải có những động thái chống độc quyền một cách mạnh mẽ hơn nữa. Tuyên bố này của đại diện Google cho thấy có thể hãng này sẽ không mắc phải những sai lầm như Microsoft hồi những năm 90. Nhưng với Intel, những vấn đề gai góc về pháp lý vẫn còn đang ở phía trước.
Văn Hân - (Tổng hợp)
(Theo VnMedia)
|