Tin tức thời sự CNTT

Tin tặc đột nhập mạng điều khiển lưới điện quốc gia Mỹ?

09-04-2009 15:09

- Một cựu quan chức chính phủ Mỹ hôm qua (8/4) cho biết tin tặc đã đột nhập thành công và cấy mã độc lên một số bộ phận thiết yếu của hệ thống máy tính điều khiển mạng lưới điện quốc gia.

Ảnh minh họa

Kiến trúc sư công nghệ của IBM, Jeff Mausolf, đóng vai một nhân viên sửa điện làm việc bằng cách trao đổi với nhân viên chuyên trách ở trung tâm thông qua điện thoại truyền hình. Đây là một hình thử nghiệm. (Ảnh AP)


Đã cảnh báo trước

Trên thực tế nếu như các công ty điện không cho phép chính phủ được tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống mạng lưới máy tính của họ thì có lẽ đến nay những vụ tấn công đột nhập như trên của tin tặc vẫn chưa thể được phát hiện.

Động lực khiến chính phủ Mỹ phải thanh kiểm tra toàn bộ hệ thống mạng lưới máy tính điều khiển bắt nguồn từ một video trình diễn những gì mà tin tặc có thể làm được nếu chúng đoạt được quyền kiểm soát một bộ phận tối quan trong trong mạng lưới điện quốc gia.

Đoạn video của Phòng thí nghiệm quốc gia Idaho mô tả chỉ tiết các turbine không thể điều khiển được nữa và quay không ngừng nghỉ cho đến khi bốc khói đến khi ngừng vận hành hoàn toàn. “Phát súng chỉ thiên” này đã khiến chính phủ Mỹ phải lo ngại và khẩn cấp yêu cầu các công ty điện nhanh chóng cho phép kiểm tra lại toàn bộ hệ thống.

Đúng như lo ngại các cuộc thanh kiểm tra đã phát hiện thấy dấu hiệu của các vụ đột nhập. Tuy nhiên vị quan chức giấu tên trên đây cho biết hiện vẫn chưa rõ tin tặc đã đột nhập sâu đến đâu bởi chính phủ vẫn chưa được phép tiến hành thanh kiểm tra nhiều hệ thống điện khác.

Động cơ tấn công

Động cơ của tin tặc trong những vụ tấn công đột nhập và cài mã độc vào trong những bộ phận thiết yếu của hệ thống điện lưới quốc gia Mỹ có thể là nhằm cho phép chúng khi cần có thể nhanh chóng vô hiệu hóa nền tảng cơ sở hạ tầng tối quan trọng này.

Trong khi đó Thời báo Phố Wall – tờ báo cũng đã từng đưa tin về vụ tấn công trên đây – hôm qua đưa tin cho hay các quan chức chính phủ Mỹ tin rằng mục đích của tin tặc không hẳn là để phá hoại mạng lưới điện quốc gia mà rất có thể chúng muốn để đó làm một phương án tấn công bất ngờ khi có chiến tranh xảy ra hoặc gây ra tình trạng bất ổn náo động.

Trích dẫn một nguồn thông tin giấu tên có được từ cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, Thời báo Phố Wall cho biết đối tượng tổ chức các vụ tấn công được nói đến trên đây có thể là những hacker có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga cũng như một số nước khác. Cơ quan tình báo Mỹ chứ không phải các chuyên gia nghiên cứu bảo mật đã phát hiện ra những vụ tấn công này.

“Tôi thực sự không tin tưởng với những thông tin mà Thời báo Phố Wall đưa ra. Vì sao? Bởi vì họ cứ sử dụng nguồn tin giấu tên này đến nguồn tin giấu tên khác. Thông tin chưa có sự xác nhận chính xác,” ông Roger Thompson – Giám đốc phụ trách nghiên cứu của hãng bảo mật AVG Technologies – tuyên bố.

Nguồn tin của Thời báo Phố Wall cũng nhấn mạnh mục đích của tin tặc không chỉ cài đặt mã độc để tấn công hệ thống mạng lưới điện mà còn có thể dùng để tấn công các cơ sở hạ tầng khác như hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống nước thải … nhất là trong điều kiện các đang có xu hướng ứng dụng nhiều công nghệ hơn nhằm cho phép họ có thể từ xa điều khiển thiết bị.

Ông Thompson khẳng định khả năng mạng lưới điện bị tấn công là một điều hoàn toàn có thực. Bất kỳ thiết bị nào đã kết nối vào mạng Internet thì đều có thể bị tấn công.

Có thể nói cơ sở hạ tầng sẽ trở thành một mục tiêu tấn công hàng đầu của tin tặc một khi chúng được kết nối sâu rộng hơn với nhau cũng như với mạng Internet toàn cầu. Mạng Internet đã mở ra con đường cho phép tin tặc nhanh chóng tiếp cận với những cơ sở hạ tầng này.

Nói một cách chính xác thì bất kỳ hệ thống mạng nào – từ hệ thống mạng tài chính đến trường đại học và hãng bán lẻ - đều có thể bị tin tặc tấn công.

Ông Tom Donahue – Chuyên gia phân tích của CIA – tại một hội thảo bảo mật trong năm ngoái đã khẳng định ở một số nước khác tin tặc thực sự đã đột nhập vào mạng lưới máy tính điều khiển hệ thống điện và yêu cầu chính phủ phải trả tiền nếu không muốn bị chúng phá hoại – cụ thể là cắt điện trên diện rộng ở nhiều thành phố lớn.

Không dễ khắc phục

Mã độc được tin tặc để lại trong hệ thống mạng đã được tiêu diệt hoàn toàn ngay sau khi nó bị phát hiện và lôi ra ánh sáng.

Vị quan chức trên đây cũng nhấn mạnh lỗ hổng bảo mật trong hệ thống điện có thể lớn hơn những gì mà người ta nghĩ rất nhiều. Quá trình khắc phục lỗ hổng này rất phức tạp và nên có sự tham gia cũng như tài trợ của chính phủ.

Thông thường việc phát hiện tấn công thường khó hơn việc khắc phục sự cố rất nhiều. Tuy nhiên đối với trường hợp hệ thống cơ sở hạ tầng mạng lưới điện lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Việc loại bỏ mã độc trong các hệ thống tối quan trọng của mạng lưới điện quốc gia phải đối mặt với một thách thức cực lớn. Đó là phải làm thế nào để làm sạch được mã độc mà các hệ thống máy tính vẫn phải hoạt động bình thường và không được tắt đi. Bởi nếu tắt những bộ phận tối quan trọng này thì cũng đồng nghĩa sẽ bị mất điện trên diện rộng.

Trong trường hợp buộc phải tắt những hệ thống nhằm làm sạch hoàn toàn và bảo đảm mọi mã độc đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn thì buộc phải có những hệ thống dự phòng thay thế sẵn có đảm nhiệm tạm thời chức năng.

Còn tiếp…


Hoàng Dũng - (AP/Reuters/Computerworld/PCworld)

(Theo VnMedia)

Các tin liên quan