Quy định giới hạn 5 giờ chơi mỗi ngày với các game trực tuyến đang bị các nhà phát hành game và cả game thủ phớt "lờ".
Nhà phát hành lẫn game thủ lách luật
Thông tư liên tịch số 60/2006 Bộ BCVT - Bộ Công an và Bộ VHTT quy định các doanh nghiệp phát hành game online tại Việt Nam phải đáp ứng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lí giờ chơi tại các cụm máy chủ. Theo đó, cho phép mỗi tài khoản được sử dụng trong 180 phút đầu tiên được tính 100% điểm thưởng; từ phút thứ 181 đến phút thứ 300 chỉ được tính 50% số điểm thưởng; từ phút thứ 301 sẽ không được tính điểm thưởng dưới mọi hình thức. Thế nhưng sau hơn hai năm khi thông tư này ra đời, các nhà phát hành game vẫn cố tình lách luật để thu hút người chơi.
Một trong số những game trực tuyến thu hút đông đảo người chơi nhất chính là Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK) do công ty Vina Game phát hành đã không tuân thủ đúng theo luật 5 giờ chơi như quy định. Bất cứ người chơi nào khi tham gia vào trò chơi này cũng được tính giờ chơi, tuy nhiên người chơi sẽ dễ dàng làm cho cột tính thời gian trở về thời điểm ban đầu khi mong muốn. Điều này sẽ giúp các game thủ luôn hưởng 100% số điểm kinh nghiệm khi tham gia. Hơn nữa, khi tham gia trên 300 phút, người chơi vẫn có thể tiếp tục tham gia các hoạt động khác trong game và vẫn nhận điểm tích lũy kinh nghiệm bình thường. Ngoài VLTK 1, một số game khác như Biệt Đội Thần Tốc, VLTK 2, Đặc nhiệm, Đột kích và cả FiFa online cũng không ngoại lệ.
Theo quan điểm của các nhà phát hành game online, Thông tư liên tịch số 60/2006 Bộ BCVT - Bộ Công An và Bộ VHTT đã tạo ra những rào cản nhất định trong việc kinh doanh và phát triển ngành công nghiệp game còn non trẻ tại Việt Nam. Trong năm 2008, Nghị định 97/2008/NĐ - CP ra đời cũng chưa đề cập việc sửa đổi vấn đề quản thời gian chơi đối với các nhà phát hành. Các nhà phát hành như Vina Game, VTC, AsiaSoft... rơi vào tình trạng "bỏ thì không dám bỏ" trước luật này. Cả game thủ cũng đua nhau lách luật hoặc né tránh luật 5 giờ chơi bằng nhiều các khác nhau. “Một game thủ có thể ngồi liên tục hàng giờ để tiến hành hàng chục thao tác đối với nhân vật của mình thông qua những "lỗ hổng" từ các nhà phát hành. Phía các nhà phát hành cũng "lờ" đi những lỗi đó để cố thu hút game thủ tham gia và cũng để tránh tình trạng hết 5 giờ game này ta lại bắt đầu 5 giờ game khác", anh Huỳnh Minh Phương, một chủ tiệm kinh doanh game và Internet tại khu vực Bình Thạnh, TP HCM cho biết.
Cần cải tiến luật “5 giờ”?
Giới hạn giờ chơi đã tạo được những lợi ích đáng kể và các nhà phát hành cũng chấp nhận với việc yêu cầu các đối tác cung cấp sản phẩm để phù hợp với luật tại Việt Nam nhưng nếu chúng ta không quản thì chắc chắn luật sẽ bị "thả lỏng". Nếu muốn quản giờ chơi game, phần nào đó cũng cần phải có sự hợp tác triệt để từ các cơ quan quản lý, các đại lý Internet. Một bài học từ Trung Quốc, bất cứ game thủ nào đến các điểm Internet đều phải sử dụng CMND và thời gian chơi và người chơi game cũng phải đáp ứng những yêu cầu theo quy định của các cơ quan quản lý đối với các điểm Internet công cộng. “Nên chăng cần phải mở rộng Thông tư 60 sang phía người chơi và cả tụ điểm Internet?”, anh Phạm Đăng Khoa, đại diện một nhà phát hành game của công ty Thế giới ảo cho biết.
Sao không "quản" game và Internet bằng CMND?
Năm 2007, Trung Quốc đã giới hạn luật đối với người chơi game và các đại lý Internet. Cụ thể, đối với một người sử dụng dịch vụ Internet công cộng phải xuất trình Chứng minh thư cho quản lý dịch vụ. Người sử dụng Internet hoặc game online quá thời gian cho phép sẽ được người quản lý nhắc nhở. Đối các nhà phát hành game trực tuyến khi phát hành trò chơi tại các điểm Internet cũng phải có phần mềm "chặn cổng" khi game thủ muốn đăng nhập vào trò chơi này.
Tại Việt Nam, nhu cầu về sử dụng Internet đang phát triển rất nhanh. Việc bắt buộc các tụ điểm Internet phải cài đặt phần mềm quản lý giờ chơi game là hoàn toàn có thể. Người chơi game, truy cập Internet và người quản lý các điểm Internet công cộng cùng chịu trách nhiệm khi người chơi cố tình không làm đúng theo luật quy định. Ngoài ra, khi cấp phép cho bất cứ trò chơi trực tuyến nào ra thị trường, nhà phát hành cần phải có phần mềm quản lý giờ chơi game trực tiếp kể từ khi đăng nhập game và có những biện pháp "cưỡng chế" tài khoản trong game của người chơi nếu cố tình vi phạm. Thiết nghĩ, cần phải có sự hợp tác từ nhà quản lý, doanh nghiệp và cả người sử dụng game, Internet mới có thể tìm được một giải pháp hiệu quả.
(Theo ICTnews)
(theo VnMedia)
|