(VnMedia) - Sau nửa năm kể từ khi bộ công cụ Visual Studio Team System được giới thiệu tại trường Việt Nam, cuối cùng sự mong đợi của những lập trình viên cao cấp, những nhà quản lý dự án tại Hà Nội đã được đáp ứng.
Ngày 5/12 vừa qua, tại Hà Nội, công ty Microsoft Việt Nam đã tổ chức một buổi đào tạo miễn phí về Visual Studio Team System (VSTS) cho các lập trình viên Việt Nam dưới sự hướng dẫn của ông Hang Tek Quah, chuyên gia phát triển công cụ lập trình Microsoft đến từ Singapore. Buổi đào tạo đã thu hút gần 100 lập trình viên cao cấp đến từ các công ty phần mềm lớn, các doanh nghiệp và tổ chức chính phủ như FPT, FPT-IS, VDC, Fujitsu Vietnam, NTT Data, Honda Vietnam, USOL-V, eDT, Harvey Nash, Misa, HiPT, VietSoftware, Novellus Vietnam, DTT Globe Team, CIS, VietBay, Add-on Development, Iboss, Infoway, Sea-Solutions, Southern Cross Software, AppZone, SmartOSC, VIT Telecom, Moore, AP&S, ESoft, AdCom, AT&T VN, và phòng tin học Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ngân hàng Bảo Việt,...
VSTS gồm nhóm các công cụ tích hợp phục vụ các chức năng kiến trúc, thiết kế, lập trình, phát triển dữ liệu và kiểm thử phần mềm. TFS (Team Foundation Server) thay thế cho Visual Source Safe, được phát hành cùng với VSTS. TFS là hệ thống quản lý vòng đời phần mềm: lưu trữ, chia xẻ mã nguồn, tích hợp với công cụ lập dự án Microsoft Project hoặc Excel, hướng dẫn quy trình, tạo báo cáo động và theo dõi đầu công viêc và tiến độ chung của dự án. TFS chuyên dùng cho các dự án phát triển phần mềm, đòi hỏi khắt khe chất lượng, tiến độ, ngân sách.
Hợp nhất chuẩn CMMi và Agile với Team Foundation Server
Trong quy trình phát triển phần mềm, chuẩn CMMi đòi hỏi rất nhiều loại văn bản khác nhau, luôn yêu cầu lập kế hoạch dự án, đào tạo, giám sát liên tục. Nếu không có phần mềm hỗ trợ, đây là một áp lực rất lớn đối với đội phát triển, đặc biệt khi dự án bị “cháy tiến độ”, nhiều nhóm, cá nhân đồng thời lập trình, thay đổi thiết kế giữa chừng, khó dự đoán khối lượng công việc, hoặc đột xuất có thay đổi nhân sự trong nhóm. Chuẩn Agile yêu cầu vòng đời phiên bản thật ngắn tính bắng tuần, thảo luận công việc trực tiếp giữa các thành viên, tự thành lập nhóm lập trình nhỏ, cho phép thay đổi thiết kế giữa chừng.
Microsoft đã nghiên cứu và hợp nhất chuẩn Agile và CMMi để thành mẫu quy trình trong TFS. Ứng dụng TFS, các thành viên nhóm phát triển cộng tác trực tuyến, kết hợp liên hoàn chức năng, theo những gợi ý quy trình thông minh tại mỗi thời điểm trong vòng đời phát triển phần mềm. Mỗi đội dự án có thể tùy biến dễ dàng quy trình mẫu bằng cách sửa các file định nghĩa XML. Quy trình dự án có thể biến đổi linh hoạt sao cho thích hợp với từng dự án cụ thể: quy mô nhỏ, vừa và lớn, tại nhiều địa điểm, gia công hay các dự án quản lý theo kiểu Nhật Bản.
Team Foundation Server hay Visual Source Safe: Lựa chọn nào hợp lý?
Điều tra trực tuyến cho thấy 81% các lập trình viên tại Hà Nội hiện đang sử dụng các phiên bản Visual Studio khác nhau (29% Visual Studio 2008, 38% Visual Studio 2005 và 14% Visual Studio 2003,98). 21 % trong số đó mới sử dụng chức năng quản lý mã nguồn cơ bản của Team Foundation Server, trong khi có tới 41% các lập trình viên vẫn làm việc với Visual Source Safe, phiên bản không còn được Microsoft hỗ trợ. Phần đông các công ty vẫn dùng phiên bản Visual Studio Professional, cho lập trình viên chuyên nghiệp đơn lẻ, không kết nối được với TFS. Cách thức quản trị dự án thủ công bằng Excel, Word, bằng email hoặc phải kết hợp nhiều loại công cụ khác nhau, không tích hợp sẵn được sử dụng khá phổ biến trong các công ty phần mềm bản địa.
Trong buổi đào tạo, ông Quah chia sẻ: “Tại Microsoft, cùng một thời điểm, có hàng ngàn dự án phần mềm lớn nhỏ, dự án lớn lại có nhiều dự án nhỏ bên trong, diễn ra ở nhiều quốc gia, nhiều múi giờ, cùng một sản phẩm lại có nhiều phiên bản khác nhau. TFS là hệ thống xương sống cho toàn bộ các hoạt động lập trình, quản lý vòng đời sản phẩm trong Microsoft. Do đó TFS phải mềm dẻo, ổn định, và thích hợp với gần như mọi mô hình dự án, hết sức thân thiện với lập trình viên, tester, quản trị dự án.”
Các trưởng nhóm kỹ thuật, lập trình viên chuyên nghiệp quan tâm nhất đến những đặc điểm nổi trội của phiên bản Architecture Edition (kiến trúc ứng dụng, tạo class và sinh mã), phiên bản thử nghiệm (Test Edition) (test khả năng chịu tải, tương thích) và phiên bản cơ sở dữ liệu (Database Edition) (thiết kế bảng CSDL). Trong khi đó, các nhà quản trị dự án, giám đốc IT lại quan tâm đến tận dụng TFS để phân công công việc, đồng bộ hóa các lịch công việc giữa Microsoft Project, Excel với TFS, theo dõi tình trạng của dự án, tạo báo cáo tổng hợp, tối ưu mã, đo đếm khối lượng công việc của từng lập trình viên… Nhiều vấn đề thực tế gai góc trong việc quản trị dự án phức tạp được nêu lên nhằm đánh giá khả năng xử lý của VSTS và TFS.
Buổi đào tạo thu hút sự quan tâm của các học viên về hiệu quả sử dụng khi nâng cấp lên VSTS, TFS. Công năng mới của VSTS và TFS đã giải phóng nhóm phát triển viên khỏi sự phiền toái khi phải chắp vá các công cụ đắt tiền từ các hãng thứ ba với công cụ mã nguồn mở để quản lý vòng đời dự án phần mềm, giảm công việc thủ công của quản trị dự án. Có TFS, áp dụng quy trình CMMi, Agile không còn xa tầm với của các công ty phần mềm Việt Nam nữa.
Đánh giá của các quản trị dự án, lập trình viên cao cấp
Sau buổi đào tạo, có rất nhiều nhận xét về VSTS và TFS từ phía các nhà quản trị dự án, phụ trách công nghệ của các công ty phần mềm tại Hà nội. Theo anh Nguyễn Văn Thịnh, Quản trị dự án của công ty VIT Telecom: “Visual Studio là môi trường tích hợp để lập trình (integrated Development Environment) tốt nhất mà tôi dùng cho đến nay. Team Foudation Server là công cụ giúp cho tôi quản lý tốt dự án. Nó giúp cho việc phối hợp giữa đội ngũ lập trình viên ở Vietnam và khách hàng ở ngoài nước trở nên đơn giản.”
Lê Đức Hoàn, SEA-Solutions: “Trong các sản phẩm của mình, MS luôn mong muốn đem lại cho người dùng các công cụ làm việc tốt nhất, hiệu quả nhất nhằm nâng cao hiệu suất làm việc. Và VS 2008 là bộ công cụ lập trình tốt hơn bao giờ hết: Cải thiện tốc độ truy xuất dữ liệu, thiết kế giao diện nhanh và hiệu quả (hỗ trợ Vista từ trong ra ngoài), hỗ trợ toàn bộ các nền tàng hiện có của MS: Microsoft Office 2007, Microsoft Windows Vista, Microsoft SQL Server 2008 và Microsoft Windows Server 2008... Và còn rất rất nhiều tính năng của VS mà tôi ko thể liệt kê hết ra đây được.”
Mai Huy Toàn, AdCom: “Team Foundation Server Tôi chưa dùng qua tuy nhiên với bộ Visual studio tôi luôn dùng nó để phát triển ứng dụng. Qua nhiều phiên bản của nó tôi thấy Microsoft đã cố gắng tối đa sự trợ giúp cho lập trình viên viết code. Tôi hi vọng Bộ visual studio sẽ liên tục được cải tiến và hoàn thiện.”
Đỗ Minh Cường, FPT Software: “Tôi mới chỉ dùng VS.NET chứ chưa dùng Team Foundation Server. Giờ chuyển sang làm Java nên cũng không dùng những Tools này nữa. Nhưng khi dùng tôi thấy các Tools của Microsoft khá tiện lợi, hỗ trợ nhiều cho LTV nên giúp họ tiết kiệm được nhiều thời gian mà hiệu quả lại cao.”
Trịnh Hồng Hải, VTC Intecom: “MS VS đủ mạnh cho việc phát triển các sản phẩm dịc vụ của VTC: các dòng sản phẩm dịc vụ giá trị gia tưng trên mạng. Mong muốn sử dụng Team Foundation Server để cải thiện việc quản lý tài nguyên phần mềm trong việc phát triển dự án.”
Vũ Văn Lĩnh: “Ưu điểm: - Dễ dùng, thân thiện với người dùng - Có rất nhiều tiện ích đi kèm - Quá trình setup môi trường đơn jản, thường tích hợp sẵn nên rất thuận tiện cho người mới học. Nhược điểm: - Tính ổn định ko cao lắm, thi thoảng hay bị lỗi”.
|
Thuỷ Nguyên
(Theo VnMedia)
|