 |
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó giám đốc Viễn thông Hà Nội. Ảnh: Lê Quang |
|
|
- Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Phó giám đốc Viễn thông Hà Nội, tính đến 20/11/2008, tổng số thuê bao viễn thông thực trên địa bàn Hà Nội phát triển mới năm 2008 của đơn vị này đạt 169.768 thuê bao. Trong đó, điện thoại cố định đạt 56.173 thuê bao, Mega VNN đạt 68.946 thuê bao, điện thoại GPhone là 23.289 thuê bao, VinaPhone là 21.360 thuê bao.
Về doanh thu, dự kiến doanh thu phát sinh trong tháng 11/2008 đạt khoảng 233 tỷ đồng, đưa tổng doanh thu từ đầu năm ước đạt 2.197 tỷ đồng, bằng 88,5% kế hoạch năm 2008.
Theo đánh giá của ông Quang, trong những tháng qua của năm 2008, Viễn thông Hà Nội (VTHN) đã đảm bảo an toàn chất lượng thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Chính quyền các cấp; phục vụ tốt công tác phòng chống lụt bão của Thành phố và các sự kiện chính trị, xã hội quan trong diễn ra trên địa bàn.
Về phát triển mạng lưới viễn thông tin học, VTHN đã tập trung mở rộng, nâng cao năng lực mạng lưới, tính tới thời điểm hiện nay tổng dung lượng toàn mạng cố định là 1.528.317 số, trong đó dung lượng sử dụng chiếm 88,4%, dung lượng còn để phát triển là 283.164 số. Tổng dung lượng mạng cáp gốc là 2,28 triệu đôi, trong đó dung lượng cáp đã sử dụng chiếm 80%. Hệ thống truyền dẫn bao gồm hai vòng ring 10Gbps, 4 vòng ring 2,5 Gbps, 29 vòng ring cấp III, 27 tuyến PDH. Hệ thống xDSL với tổng dung lượng 381.600 cổng ADSL/ADSL2. Hệ thống MAN-E về cơ bản đã đảm bảo kết nối và truyền tải cho các thiết bị IP-DSLAM, MSAN,… và truy nhập MetroNet trên địa bàn Hà Nội.
Về phát triển các dịch vụ viễn thông công nghệ cao, VTHN đã xây dựng mạng MetroNet công nghệ IP/MPLS với tốc độ mở rộng lên hàng trăm Gbps, với chức năng là mạng lõi hội tụ tất cả các dịch vụ (thoại, internet, truyền hình, truyền dữ liệu, các dịch vụ giá trị gia tăng,…). Trước mắt, hệ thống này sẽ phục vụ cho các Bộ, ban, ngành trung ương và các sở, ban, ngành thành phố, cho các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn,… VTHN cũng hoàn thành việc kéo cáp quang phục vụ mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Chính phủ tại Hà Nội. Triển khai cung cấp dịch vụ FTTX (cáp quang đến các toà nhà, đến nhà thuê bao,…).
Về bộ máy sau khi hợp nhất Hà Nội và Hà Tây, ông Quang cho biết, hiện, sau khi hợp nhất, bộ máy tổ chức sản xuất của VTHN gồm có Khối quản lý VTHN và 12 đơn vị sản xuất trực thuộc, tổng số 4.500 cán bộ công nhân viên, quản lý hệ thống viễn thông rộng lớn và tiên tiến, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ cố định, di động, internt băng rộng, các dịch vụ công nghệ cao với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Sau khi hợp nhất, nhìn chung chất lượng mạng lưới và chất lượng các dịch vụ viễn thông được đảm bảo, tỷ lệ hư hỏng luôn được duy trì ở mức thấp hơn chỉ tiêu bình quân, thời gian cung cấp, hỗ trợ và sửa chữa các thuê bao viễn thông ngày càng được rút ngắn.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, VTHN sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng, hiện đại hoá dịch vụ viễn thông – tin học. Quy hoạch tăng cường số node chuyển mạch, rút ngắn bán kính phục vụ của cáp đồng để nâng cao chất lượng các thuê bao sử dụng dịch vụ băng rộng; Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các cột anten để nâng cao chất lượng phủ sóng điện thoại di động trên địa bàn; Đẩy nhanh tiến độ các dự án mở rộng hệ thống xDSL, các dự án liên quan đến mạng cáp quang để sẵn sàng cung cấp các dịch vụ MAN, IP-DSLAM, FTTX, WiMAX,… và phát triển thuê bao cáp quang.
VTHN cũng sẽ tiếp tục đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức kinh doanh, kỹ năng giao tiếp của đội ngũ giao dịch viên; Tập trung nâng cao hơn nữa các chỉ tiêu chất lượng dịch vụ, đặc biệt phải chú trọng việc giải quyết dứt điểm và thấu đáo mọi thắc mắc khiếu nại của khách hàng. Củng cố và xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng năng động, nhiệt tình, am hiểu kỹ thuật và luôn hướng về khách hàng,…
Lê Quang
(Theo VnMedia)
|