- Cho tới thời điểm này, phải thừa nhận rằng, lĩnh vực nội dung số của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn phát triển đầu tiên. Dịch vụ chưa nhiều, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vẫn còn hạn chế trong khi đó các đối thủ nước ngoài như Google, Yahoo lại quá mạnh… Để thúc đẩy nội dung số phát triển trong tương lai, cơ quan quản lý nhà nước cùng các doanh nghiệp đang nỗ lực hết mình với nhiều chính sách định hướng và cách làm cụ thể.
Bài 1: Doanh nghiệp trong nước có yếu thế?
Không thể đem so được những yếu tố về công nghệ, con người, tài chính cũng như xuất phát điểm với các đối thủ nước ngoài như Yahoo, Google…, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số của Việt Nam đang phải vượt qua nhiều rào cản trong cuộc đua ngay trên thị trường nội địa với câu hỏi: mình có cơ hội nào hay không?
Thực trạng…
Có thể nói, thị trường dịch vụ nội dung số ở Việt Nam và thế giới nói chung hiện đang tập trung ở bốn mảng lớn đó là: Thông tin, liên lạc, giải trí và thương mại điện tử.
Trong lĩnh vực thông tin, người dùng Internet đọc, tra cứu và tìm kiếm thông tin liên quan tới cuộc sống hàng ngày. Với khối lượng thông tin khổng lồ trên Internet, các công cụ tìm kiếm được coi là một yếu tố không thể thiếu giúp người dùng tìm được những thông tin mà người dùng cần tìm.
Để liên lạc, hiện ngoài hình thức thoại thông thường qua điện thoại cố định và di động, người dùng còn sử dụng các dịch vụ web để liên lạc như chat, email, IP phone và video conference trong đó phổ biến nhất là chat và email.
Người dùng cũng đang sử dụng Internet phục vụ cho nhu cầu giải trí như chơi game online, nghe nhạc, xem video, phim ảnh.
Với thương mại điện tử, người dùng sử dụng Internet phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm và thực hiện các giao dịch thương mại bao gồm cả dịch vụ và sản phẩm.
Cho tới thời điểm này, đối với thị trường Việt, hai trang web hàng đầu về cung cấp nội dung số là Yahoo.com và Google.com vẫn đang hút hầu hết người sử dụng với gần 100% thị phần. Các hoạt động tìm kiếm thông tin, liên lạc qua chat, email… hầu hết đều được sử dụng qua hai trang web này. Do vậy, ảnh hưởng của Yahoo và Google đến số người dùng Internet Việt là rất lớn.
 |
Bộ máy tìm kiếm tiếng Việt Xa lộ (xalo.vn) với số tiền đầu tư ban đầu lên tới 2 triệu USD
|
Mặc dù đã cố gắng phát triển để chiếm lĩnh thị trường với nhiều dịch vụ đa dạng, song với đặc điểm các công ty trong nước hoạt động trong lĩnh vực nội dung số hiện nay còn trẻ, mới chỉ tham gia công nghiệp nội dung số trong vòng 3-4 trở lại đây, nên khả năng cạnh tranh của họ với các đối thủ ngoại rất hạn chế ở ngay trên sân nhà.
Trên thực tế, cũng đã có những doanh nghiệp Việt quyết tâm bứt phá. Một ví dụ điển hình là công ty Tinh Vân. Cách đây chưa lâu, công ty này đã cho ra mắt bộ máy tìm kiếm tiếng Việt Xa lộ (xalo.vn) với số tiền đầu tư ban đầu lên tới 2 triệu USD.
Tham vọng của những người làm nên bộ máy tìm kiếm này là có thể cạnh tranh được với Google trong thời gian tới khi mà Xa lộ có thể hút được từ 35-40% lượng truy vấn thông tin của người dùng Internet Việt vào năm 2010. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là con số được kỳ vọng cần phải có thời gian trả lời.
Hiện tại, trong 4 lĩnh vực chính, trừ thương mại điện tử hiện chưa phát triển nhiều, ba lĩnh vực còn lại có tới hai là thông tin và cộng đồng, thị phần dịch vụ do công ty nước ngoài nắm kiểm kiểm soát.
Đã vậy, thời gian một năm trở lại đây, Yahoo đã có những bước tiến đáng kể vào thị trường Việt Nam nhằm củng cố vị trí số 1. Còn Google cũng đang thiết lập văn phòng ở Việt Nam với những kế hoạch lâu dài.
Doanh nghiệp nội liệu còn nhiều cơ hội?
Trước thực trạng này, câu hỏi được đặt ra đó là làm sao để doanh nghiệp nội dung số của Việt Nam có thể cạnh tranh được trên thị trường nội địa khi mà đối thủ nước ngoài quá mạnh về công nghệ, con người, tài chính? Không chỉ yếu thế hơn về tiềm lực, trong cuộc đua không cân sức này, doanh nghiệp trong nước còn đang phải vượt qua nhiều rào cản.
Cũng phải thừa nhận rằng, vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp nội dung số của Việt Nam liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Song nhiều doanh nghiệp nội dung số của Việt Nam cho rằng khuôn khổ, chính sách pháp luật của Việt Nam hiện còn nhiều bất cập, chưa tạo ra một hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp nước ngoài.
Các doanh nghiệp Việt thường bị các cơ quan quản lý rất chặt, ngược lại, việc quản lý các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh nội dung số tại Việt Nam còn lỏng lẻo bởi những quy chế, nghị định chưa được cập nhật kịp thời với tốc độ tăng trưởng liên tục của ngành.
Vì vậy, theo các chuyên gia CNTT, để có thể thắng trên sân nhà, cần có một sự đồng sức triển khai của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người sử dụng.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam đến năm 2010 với tổng kinh phí đầu tư 1.280 tỷ đồng. Mục tiêu của chương trình này là phát triển công nghiệp nội dung số thành một ngành kinh tế trọng điểm, đóng góp ngày càng nhiều cho GDP, tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tiếp cận các sản phẩm nội dung thông tin số, thúc đẩy mạnh mẽ sự hình thành và phát triển xã hội thông tin và kinh tế tri thức…
Chương trình đã đặt mục tiêu sẽ xây dựng được một đội ngũ từ 10 đến 20 doanh nghiệp nội dung số mạnh, có trên 500 lao động chuyên nghiệp; hình thành hệ thống thư viện số trực tuyến; cung cấp hiệu quả các dịch vụ tư vấn khám, chữa bệnh và đào tạo từ xa... vào năm 2010.
Trong kế hoạch phát triển công nghiệp nội dung số đến 2010 còn có nội dung xây dựng Đề án thành lập Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ triển khai về nội dung thông tin số và đa phương tiện quốc gia để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Để hiện thực hoá mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã vừa ra mắt Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam với chức năng giúp Bộ nghiên cứu, xây dựng và tham gia triển khai chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số. Viện cũng giúp Bộ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cho công nghiệp CNTT và truyền thông, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ phần mềm, nội dung thông tin số…
Từ năm 2009, Viện sẽ trở thành đơn vị nhà nước có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách và thực thi các chiến lược phát triển ngành Công nghiệp phần mềm và Công nghiệp nội dung số tại Việt Nam.
Mặc dù cũng đã nhìn thấy con đường để thực hiện các định hướng phát triển sẽ còn dài và chắc chắn không tránh được các trở ngại, khó khăn song với những kỳ vọng cũng như động thái tích cực này từ phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta có thể tin tưởng rằng, không lâu nữa, ngành công nghiệp và phần mềm nội dung số của Việt Nam sẽ phát triển. Và cùng với đó, cơ hội phát triển của các doanh nghiệp nội trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ còn nhiều.
(Bài 2: Nội dung số cho di động: Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu!)
Thuỷ Nguyên
(theo VnMedia)
|