
Ngày 30/04/2025, TS. Lê Khánh Duy, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, đã đại diện nhóm nghiên cứu cùng các đồng sự trình bày bài báo “RedirectedStepper: Exploring Walking-In-Place Locomotion in VR Using a Mini Stepper for Ascents” tại hội nghị ACM Conference on Human Factors in Computing Systems 2025 (ACM CHI 2025) diễn ra tại Yokohama, Nhật Bản. Điều đặc biệt là bài báo lần này của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM là kết quả từ khóa luận tốt nghiệp của hai sinh viên Lê Quang Trí và Huỳnh Đức Nhâm thuộc chương trình Cử nhân tài năng của Khoa Công nghệ thông tin, khóa 2020. Đây là một kết quả thực sự rất đáng ghi nhận cho năng lực và nỗ lực của hai sinh viên khi không có nhiều đề tài ở cấp độ cử nhân có thể trở thành một bài báo toàn văn tại ACM CHI, ngay cả ở nhiều trường hàng đầu trên thế giới.
Trong bài báo này, hai sinh viên và nhóm nghiên cứu đã thiết kế một giải pháp tương tác mới nhằm giải quyết một vấn đề nền tảng khá hóc búa trong tương tác và trải nghiệm người dùng trong môi trường thực tại ảo, đó là di chuyển trên các bề mặt có độ cao thay đổi như cầu tháng hay mặt dốc. Các giải pháp trước đây thường yêu cầu người dùng cần có không gian triển khai rộng rộng hoặc thiết bị cồng kềnh, bất tiện cho người dùng. Trong nghiên cứu này, nhóm sinh viên đã đề xuất một giải pháp mới bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm với thiết kế thiết bị nhỏ gọn, ít đòi hỏi không gian triển khai và chi phí thấp hơn nhiều các giải pháp trước đó mà vẫn có thể tạo ra trải nghiệm di chuyển lên các bề mặt dốc chân thật cho người dùng. Đây là giải pháp công nghệ nền tảng có thể ứng dụng để phát triển các môi trường thực tại ảo phục vụ việc tập luyện trong nhiều ngữ cảnh khác nhau như vật lý trị liệu trong y tế, sơ tán hoặc cứu hộ trong các tòa nhà. Các môi trường này có thể cho phép thực hiện các công việc tập luyện, huấn luyện một cách an toàn với độ chân thực cao mà chi phí có thể thấp hơn rất nhiều các phương pháp truyền thống.
ACM CHI là hội nghị khoa học thường niên lớn và uy tín nhất thế giới hiện nay về lĩnh vực tương tác người-máy (human-computer interaction). Năm nay, CHI có hơn 5000 người tham dự với sự tài trợ của hơn 20 doanh nghiệp trong và ngoài Nhật Bản. Hội nghị lần này này cũng nhận được hơn 5000 bài báo cho các hạng mục khác nhau, với tỉ lệ chấp nhận chỉ khoảng 25%. Ngoài ra, bài báo này cũng có sự cộng tác từ các đồng nghiệp từ nhiều trường đại học uy tín trên thế giới như Đại học Otago (New Zealand), Đại học Simon Fraser (Canada), Đại học Bergen (Na Uy), Đại học công nghệ Chalmers (Thụy Điển) và Đại học khoa học và nghệ thuật ứng dụng Lucerne (Thụy Sĩ).
Thông tin về bài báo: