Giới thiệu
“Participating in the CDIO™ Initiative has been immensely rewarding both for me professionally and for the institution I serve, Queensland University of Technology. “In the case of the former, CDIO resources and gatherings of like-minded academic leaders from throughout the world has given me vast perspective on an oft-neglected side of engineering education. In the case of the latter, the tips and techniques I’ve picked up through my participation in CDIO have informed the project-based learning aspects of the courses we offer to engineering undergraduates at QUT.” — Duncan Campbell, PhD, Associate Professor of Engineering Education, Queensland University of Technology

GIỚI THIỆU

CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive – Design – Implement – Operate, nghĩa là: Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành. CDIO là một đề xướng của các khối ngành kỹ thuật thuộc ĐH Kỹ thuật Massachusetts, Mỹ, phối hợp với các trường đại học Thụy Điển. Từ năm 2010, Khoa CNTT được chọn là 1 trong 2 Khoa đầu tiên của ĐHQG-HCM thí điểm áp dụng mô hình CDIO nhằm cải tiến chất lượng dạy và học tại Khoa. Cho đến nay, Khoa đã triển khai việc áp dụng CDIO qua nhiều giai đoạn và bước đầu đem lại những kết quả tích cực.

Trước đây, chuẩn đầu ra của Khoa CNTT được thể hiện khá “trừu tượng” và thiếu sự liên kết chặt chẽ với quá trình dạy và học tại Khoa. Với việc áp dụng mô hình CDIO, Khoa đã xây dựng và hoàn thiện bộ chuẩn đầu ra chi tiết đến cấp độ 4, phủ hết toàn bộ các yêu cầu về Kiến thức, Kỹ năng cá nhân, Kỹ năng nhóm và CDIO. Bộ chuẩn đầu ra này cũng được đánh giá đầy đủ từ các bên liên quan bao gồm Giảng viên, Doanh nghiệp, Cựu sinh viên. Sau khi xây dựng bộ chuẩn đầu ra của Khoa và xem xét chi tiết chương trình đào tạo có sẵn trước đây, Khoa cũng đã đánh giá các thiếu sót và sự trùng lắp trong việc tổ chức nội dung giảng dạy của các môn học và qua đó bổ sung một số môn còn thiếu và điều chỉnh, phân bổ lại chương trình đào tạo cho hợp lý hơn.

Từ năm 2011 đến nay, toàn bộ các giảng viên của Khoa liên tục tham gia các khóa đào tạo, các seminar, workshop về phương pháp giảng dạy, các kỹ năng cá nhân, nhóm, kỹ năng thiết kế-triển khai, kỹ năng CDIO và phương pháp luận sáng tạo...

Các buổi huấn luyện được sự hỗ trợ từ các chuyên gia như:

  • Các chuyên gia hàng đầu về CDIO như Edward Crawley, Johan Malmqvist, Peter Gray, Kristina Edstrom v.v..
  • Các chuyên gia từ Singapore Polytechnic thông qua sự hỗ trợ của Quỹ Temasek
  • Các chuyên gia huấn luyện về phương pháp luận sáng tạo
  • TalentMind: huấn luyện các kỹ năng cá nhân, kỹ năng nhóm v.v...
  • Các chuyên gia về đánh giá sinh viên, hỗ trợ đánh giá theo chuẩn ABET (HEEAP)

Bên cạnh đó, Khoa CNTT cũng hợp tác với Trường Singapore Polytechnic. Qua đó, các giảng viên của Khoa cũng được cử đi huấn luyện tại Singapore và đã tổ chức rất nhiều buổi workshop về CDIO cho các giảng viên tại Khoa trong suốt 2 năm 2013-2014. Qua đó, Khoa cũng xây dựng được đội ngũ Master Trainers nhằm hỗ trợ các hoạt động đào tạo, huấn luyện về các kỹ năng liên quan, phương pháp giảng dạy tích cực v.v...

Kể từ năm 2011, Khoa bắt đầu triển khai áp dụng giảng dạy theo mô hình CDIO ở một số môn học và dần dần triển khai cho toàn bộ Khoa. Khóa sinh viên 2011 là khóa đầu tiên được chọn để áp dụng toàn diện mô hình CDIO. So với trước đây, các sinh viên được học với phương pháp dạy-học mới, thể hiện sự tích cực tham gia của sinh viên trong các hoạt động tại lớp. Các sinh viên được giảng dạy đầy đủ các kỹ năng cá nhân, kỹ năng nhóm, các kỹ năng CDIO và được đánh giá đầy đủ. Sinh viên tham gia nhiều môn học với trải nghiệm thiết kế-triển khai và áp dụng toàn bộ quy trình CDIO trong việc lên ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành sản phẩm. Các kiến thức, kỹ năng mà sinh viên học được đều rất gần gũi với các hoạt động nghề nghiệp trong tương lai.

Thông qua đề án CDIO, Khoa CNTT cũng đã xây dựng được thêm 2 phòng học mới với sức chứa lớn và được trang bị bàn ghế và dụng cụ hỗ trợ dạy-học phù hợp cho việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực.

Ngoài ra, các Thầy/Cô giảng dạy lý thuyết được hỗ trợ bằng cách tăng cường GV trợ giảng nhằm giúp triển khai tốt hơn các hoạt động tại lớp cho sinh viên. Các trang thiết bị hỗ trợ học tập cũng được bổ sung và cung cấp phù hợp. Không chỉ dừng lại ở việc triển khai CDIO tại Khoa CNTT, trong suốt các năm qua, Khoa cũng chủ động tổ chức các workshop và mời nhiều Khoa khác trong Trường, các Trường thuộc ĐHQG-HCM và các Trường lân cận tham dự các workshop nâng cao năng lực giảng viên do các chuyên gia giảng dạy.

Bên cạnh đó, các giảng viên của Khoa cũng tham gia nhiều buổi chia sẻ, hỗ trợ các Khoa khác trong Trường hoặc các Trường bạn nhằm triển khai hiệu quả mô hình CDIO trong quá trình nâng cao chất lượng dạy và học. Hằng năm, Khoa vẫn duy trì các hoạt động cho sinh viên, giảng viên và doanh nghiệp nhằm chia sẻ thông tin, hỗ trợ cho các công tác dạy-học và các hoạt động nghề nghiệp, hoạt động ngoại khóa, thực tập v.v...

GIÁO DỤC 4.0

Mô hình giáo dục đại học 4.0 là mô hình giáo dục thông minh, liên kết nhà trường – nhà quản lý – doanh nghiệp với nhau, đưa tiến bộ công nghệ thông tin vào trường học để nâng cao hiệu quả đào tạo, giúp việc dạy và học diễn ra mọi lúc mọi nơi. Năm 2018, Khoa Công nghệ Thông tin là một trong những Khoa tiên phong tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên tiếp cận mô hình giáo dục 4.0. Lấy nền tảng từ đề án CDIO, Khoa Công nghệ Thông tin với mục tiêu tiếp cận phương pháp giáo dục mới mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy và học tập trong một môi trường mở và thân thiện.

Năm 2019, Khoa bắt đầu triển khai thực tế các môn học thí điểm theo giáo dục 4.0. Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, tuy nhiên, đội ngũ cán bộ Khoa vẫn luôn cố gắng xây dựng môi trường học tập tốt, năng động và sáng tạo.

Tính đến nay, Chương trình đào tạo mới của Khoa đã được cập nhật đáp ứng chuẩn đầu ra mong đợi từ các bên liên quan. Khoa thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát với mục đích thu thập các thông tin phản hồi từ nhiều phía để cải thiện chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của nhà tuyển dụng cũng như của xã hội.

Từ năm 2018 trở lại đây, các giảng viên của Khoa tiếp tục được tập huấn về phương pháp giảng dạy mới, phương pháp xây dựng đề cương, cập nhật tài liệu giảng dạy hướng đến giáo dục 4.0. Các hoạt động diễn ra sôi nổi với sự chia sẻ nhiệt tình, thực tế của đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa. Bên cạnh đó, Khoa còn tổ chức các buổi hội thảo cùng các Khoa khác trong trường nhằm nâng cao năng lực cho giảng viên. Hoạt động lan tỏa mạnh mẽ tạo động lực cho giảng viên hướng đến một nền giáo dục năng động và sáng tạo.

Đi đôi với các hoạt động nâng cao năng lực giảng dạy, Khoa không ngừng cải thiện về cơ sở vật chất để hỗ trợ tốt nhất cho việc giảng dạy. Hiện tại, phòng học phục vụ cho việc biên soạn bài giảng theo công nghệ Digital learning đang được triển khai. Ngoài ra, các phòng học còn được trang bị hệ thống Web LMS cho mô hình giáo dục 4.0 trên nền tảng nguồn mở.

Đối với sinh viên, khái niệm giáo dục 4.0 không còn phải chỉ là giáo dục tạo ra kiến thức mà giáo dục phải mang đến sự sáng tạo cho sinh viên. Do đó, sinh viên tại Khoa được khuyến khích thực hiện các đề tài thực nghiệm thực tế, phát triển khả năng tự học và học tập suốt đời, học mọi lúc mọi nơi… Ngoài những kiến thức đi sâu vào chuyên ngành, sinh viên ngày càng tự tin hơn trong giao tiếp và phát huy các năng lực của bản thân. Các bạn sinh viên tích cực tham gia các hoạt động học thuật sáng tạo cũng như các hoạt động ngoại khóa nhằm trau dồi kiến thức, cởi mở, hòa nhập với cộng đồng xung quanh. Qua thống kê hằng năm, tỷ lệ sinh viên Khoa CNTT tốt nghiệp và có việc làm ngay luôn đạt được khoảng 80%. Không chỉ vậy, các bạn cũng đang từng bước cải thiện trình độ ngoại ngữ bởi đó là công cụ giúp thế hệ trẻ khẳng định bản thân và nhanh chóng hội nhập với một xã hội không ngừng thay đổi và phát triển.